Lãi suất vẫn thực dương
Không phải đến thời điểm này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới giảm, mà trong gần 1 năm nay đã giảm sâu đáng kể. Thế nhưng, nhiều khách hàng cá nhân có nguồn tiền nhàn rỗi không biết lựa chọn kênh đầu tư nào cho đồng vốn nên vẫn nhờ nhà băng giữ hộ.
Ông Trần Minh Tâm (Quận 3, TP. HCM) cho biết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng đi xuống nên lợi tức thu về không còn cao như trước, song trước tình hình hiện nay, ông chưa muốn rút vốn để bỏ vào các kênh đầu tư khác. Vì thế, với khoản tiền dư hơn 1 tỷ đồng, ông vẫn gửi tại ACB, dù lãi suất ngắn hạn chỉ còn 5,1%/năm.
Lãi suất huy động không chỉ của các NHTM có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, MHB, Agribank, Vietinbank) giảm, mà ngay cả các nhà băng vừa và nhỏ cũng giảm đáng kể trong ngày 30/10 vừa qua. Chẳng hạn, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng tại ACB chỉ còn 4,9%/năm, kỳ hạn 3 - 9 tháng từ 5,1 - 6%/năm. Tại OCB, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng từ 5,1 - 5,5%/năm.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, nguồn tiết kiệm của Ngân hàng vẫn khá dồi dào. 10 tháng đầu năm 2014, huy động vốn của OCB ước tăng trên 11%. Tín dụng cao hơn trung bình ngành khoảng 7 - 8%. Theo ông Long, sở dĩ nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào Ngân hàng khi lãi suất giảm là do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng hay ngoại tệ chưa hấp dẫn trở lại. Mặt khác, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức thấp nên với trần lãi suất tiền gửi 5,5%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 1- 5 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài được các ngân hàng áp dụng từ 6 - 8%/năm hiện nay, khách hàng gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương.
Tiền gửi kỳ hạn dài
Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc Dịch vụ -Tài chính cá nhân khu vực miền Nam của Techcombank cho hay, lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm dần trong thời gian qua, song nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào Ngân hàng. Tuy nhiên, xu hướng của khách hàng hiện nay là lựa chọn gửi kỳ hạn dài nhiều hơn là kỳ hạn ngắn, do lãi suất cao hơn từ 1 - 1,5%/năm.
“Lãi suất giảm phần nào tác động đến tâm lý khách hàng. Việc tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng hay chuyển sang các kênh đầu tư khác là tùy thuộc vào từng khách hàng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn”, ông Thảo nói.
Tại Vietcombank, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm được Ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua, trước khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất. Thế nhưng, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, huy động vốn đến cuối tháng 9/2014 của Ngân hàng vẫn tăng 17,67%, dư nợ cho vay tăng 10,1% so với đầu năm.
Hiện lãi suất tiền gửi của Vietcombank kỳ hạn 1 - 3 tháng từ 4,3-5%/năm và mức cao nhất được nhà băng này áp dụng là 6,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Huy động vốn toàn ngành ngân hàng vừa được NHNN công bố cho thấy, tính đến ngày 24/10, tổng vốn huy động của toàn hệ thống tăng 11,88%, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, tín dụng tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt.
Tín dụng sẽ được kích thích
Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động lần này của NHNN sẽ tạo thêm điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay, nhất là lãi suất trung và dài hạn.
“Lãi suất cho vay trung và dài hạn dù đã giảm, nhưng mức trên dưới 11%/năm hiện nay vẫn là áp lực với các DN trước tình hình thị trường còn có nhiều khó khăn. Do đó, NHNN giảm trần lãi suất huy động về 5,5%/năm cũng nhằm kêu gọi các NHTM giảm lãi suất cho vay. Khi đó, việc giảm trần lãi suất mới thực sự có tác động tích cực đến nền kinh tế”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Theo HSBC, việc NHNN giảm thêm trần lãi suất huy động là một phần của nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhiều khả năng, tín dụng sẽ tăng tốc vào giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, tổ chức này chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong năm nay đạt 10% và mức tương đương cho năm sau. Trước mắt, tín dụng doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng cải thiện nhanh, mà phân khúc khách hàng cá nhân được xem là có triển vọng tăng trưởng, nhất là tín dụng của cá nhân vay mua căn hộ tại các dự án chung cư.
Tín dụng bất động sản tăng
Ông Trịnh Minh Thảo cho biết, số lượng hồ sơ vay vốn mua nhà tại Techcombank trong những tháng gần đây tăng 20 - 30% so với đầu năm. Lãi suất giảm dần là điều kiện để kích thích tín dụng. Lãi suất cho vay mua nhà hiện nay của Techcombank từ 7,9%/năm trong thời gian đầu và từ 11,5 - 12,5%/năm trong thời gian sau đó, tùy vào khoản vay cũng như mức xếp hạng tín dụng của khách hàng.
“So với một năm trước, hiện lãi suất cho vay mua nhà đã giảm khá nhiều. Theo tôi, đối với những người có nhu cầu vay vốn mua nhà thì lãi suất là một trong những yếu tố phải xem xét, song không phải là vấn đề quyết định, mà quan trọng chính là cơ hội. Có thể, lãi suất hiện nay đối với khách hàng chưa về mức kỳ vọng, nhưng giá bất động sản giảm. Nếu trong thời gian tới, lãi suất giảm xuống mức kỳ vọng, nhưng giá nhà đất tăng, thì cơ hội sở hữu nhà giá tốt ít đi. Một số khách hàng đã và đang rút tiền gửi tiết kiệm để mua nhà”, ông Thảo nói.
Tại OCB, ông Trương Đình Long cho hay, dư nợ tín dụng khối cá nhân hiện chiếm khoảng 35% tổng dư nợ của Ngân hàng; trong đó, chủ yếu là tín dụng mua nhà.
Về tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cho biết, dù đã giảm mạnh lãi suất, nhưng vẫn khó cho vay. Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn chia sẻ, lãi suất áp dụng với khách hàng doanh nghiệp tốt hiện chỉ còn 7 - 8%/năm, nhưng không dễ thúc đẩy tăng trưởng dư nợ, vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, sức mua của thị trường và tồn kho chưa có nhiều cải thiện.
Ở một khía cạnh khác, theo các doanh nghiệp, tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ như công bố từ phía ngân hàng là rất khó, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng như hiện nay.