Lại “hô” giảm lãi suất cho vay

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa “hiệu triệu” các ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng, dù lợi nhuận có thể sụt giảm.
Giảm lãi suất để hỗ trợ DN, Vietcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2014 - Ảnh: Hoài Nam Giảm lãi suất để hỗ trợ DN, Vietcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2014 - Ảnh: Hoài Nam

Giảm lãi suất để hỗ trợ DN

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc một DN nhỏ chuyên sản xuất bao bì tại Đồng Nai cho biết, đầu năm nay, DN vay ngắn hạn 6 tháng tại ngân hàng có trụ sở ở TP. HCM, tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, lãi suất gần 14%/năm. 2 - 3 tháng trước, khoản vay đáo hạn, DN tiếp tục vay vốn cho vụ sản xuất cuối năm. Ngân hàng chào mức lãi suất cho vay 13,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng, với tài sản đảm bảo như trên.

“Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm không đáng kể”, vị lãnh đạo DN nói.

Chuyện kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chính vì lý do như vậy. Lãi suất huy động được NHNN “ép” giảm mạnh, nhưng lãi cho vay chỉ giảm từ từ.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tình hình kinh tế 10 tháng và tháng 10/2014 cho biết, mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ. Trong tháng 10/2014, nợ đọng thuế của DN ước tăng 12,9% so với thời điểm 31/21/2013. Lạm phát năm 2014 và dự báo năm 2015 ở mức thấp, không biến động mạnh sẽ là tiền đề quan trọng để tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ủy ban này khuyến nghị, thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, mà không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận (NIM) của hệ thống TCTD. Thứ hai, sửa đổi đồng bộ các luật: Dân sự, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở theo hướng đảm bảo quyền tài sản để tạo điều kiện rút ngắn thời gian phát mại tài sản đảm bảo, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ, thu hút các nguồn lực vào thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, tăng cầu đầu tư.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 28/10/2014 của NHNN, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chuyển lời “hiệu triệu” của Thống đốc tới các NHTM nhà nước, giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; trong đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND giảm từ 8%/năm xuống còn 7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn tối đa ở mức 10%/năm. 

Sự đồng thuận của các ngân hàng

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Danh Lương, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng hiện đạt gần 10%, dự kiến cả năm đạt 16%. Kể từ ngày 29/10, Vietcombank điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với 5 đối tượng tại Thông tư 08/2014/TT-NHNN, xuống các mức như định hướng của NHNN nêu trên.

“Chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Vietcombank luôn đảm bảo hiệu quả đồng vốn của Nhà nước (ở đây là nguồn thu ngân sách), cùng với đảm bảo nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ DN theo chủ trương chung. Do vậy, Vietcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2014 để đảm bảo hài hòa giữa hoạt động của Ngân hàng với việc hỗ trợ DN”, ông  Lương nói.

Phó tổng giám đốc BIDV Trần Xuân Hoàng cho hay, trong 3 năm qua, BIDV luôn chủ động trong việc chia sẻ khó khăn với DN thông qua hình thức giảm lãi suất cho vay, mặc dù điều này làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng. Với lời hiệu triệu của NHNN, BIDV sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó tổng giám đốc Agribank cũng đồng thuận với NHNN trong việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên. Để việc này không tác động nhiều tới lợi nhuận, Agribank sẽ đẩy mạnh tiết kiệm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng cân nhắc mở rộng việc giảm lãi suất cho vay ở những lĩnh vực không được ưu tiên.

“Tôi ủng hộ quyết định của NHNN, bởi thực tế trong những năm vừa qua, đầu vào lãi suất cao nên đầu ra cũng cao là gánh nặng lớn cho các DN. Trong tình hình kinh tế hiện nay có những khởi sắc nhất định, nhưng còn nhiều khó khăn nên Chính phủ, NHNN và hệ thống ngân hàng mong muốn có mặt bằng lãi suất thấp hơn nữa để tạo điều kiện cho DN đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Từ đó, DN tạo công ăn việc làm cho người lao động và tạo những tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế”, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nói. 

Trinh Nguyên, chuyên gia kinh tế HSBC nhận định: “NHNN đang nỗ lực thúc đẩy cầu nội địa, hy vọng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ kích thích chi tiêu và khiến cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi tin động thái này là một phần của biện pháp kích thích để tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt mục tiêu 12 - 14%, cũng như thúc đẩy cầu nội địa. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc, nhưng kết quả sẽ chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay và năm sau”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục