Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch, không chỉ bằng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, tuy nhiên năng lực cạnh tranh, năng lực phát triển du lịch của Việt Nam lại chỉ ở mức “thường thường bậc trung” và chủ yếu cạnh tranh về giá. Đã đến lúc điều này cần được thay đổi.
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch, không chỉ bằng giá

Du lịch Việt Nam đang chủ yếu cạnh tranh về giá

Tại Hội nghị Công nghiệp Du lịch Quốc gia ngày 07/10, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam (VINEN) cho biết, nói về tiềm năng du lịch của Việt Nam, Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch.

Các bãi biển của Việt Nam được xếp trong nhóm 15 các bãi biển đẹp của thế giới và ẩm thực Việt Nam nhất là “ẩm thực đường phố” luôn được xếp ở top đầu. Các di sản văn hóa và nhân văn của Việt Nam cũng là vô giá.

Có tiềm năng, nhưng chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh, năng lực phát triển du lịch của Việt Nam lại chỉ ở mức “thường thường bậc trung” trong xếp hạng của thế giới. Năm 2017, Đảng đã có một Nghị quyết riêng về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ cũng đã có nhiều Nghị quyết và chương trình hành động về phát triển Du lịch.

Dù ngành du lịch đã có những bước phát triển quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - đóng góp tới gần 10% trong GDP và có tác động liên ngành to lớn, góp phần tạo ra tới 5 triệu việc làm trong nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.

TS. Lộc lấy dẫn chứng, trong các chỉ số thành phần Bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, về chính sách, Việt Nam được đánh giá cao môi trường du lịch, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh an toàn, y tế, vệ sinh. Các yếu tố về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch chỉ mới đạt ở mức trung bình. Hạ tầng cho phát triển du lịch còn được xếp ở thứ hạng rất thấp.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh về giá của Việt Nam được đánh giá cao (xếp thứ hạng 22), và du lịch Việt Nam đang chủ yếu cạnh tranh về giá, hay phát triển du lịch giá rẻ, giá trị gia tăng thấp. Chỉ số phát triển bền vững thì chỉ­­ đạt 132/141 quốc gia - vị thế quá thấp.

Ông Lộc cho rằng, nguyên nhân quan trọng là năng lực tiếp thị, quảng bá quốc gia về du lịch Việt Nam làm chưa tốt, đặc biệt là ở khía cạnh quảng bá về tài nguyên tự nhiên và nhân văn vô giá. Sự phối hợp liên ngành giữa chính quyền các địa phương và các cơ quan văn hoá, du lịch, ngoại giao, thương mại, đầu tư và các cơ quan khác còn yếu. Cơ quan Tổng hành dinh về du lịch của Việt Nam còn chưa được quan tâm phát triển đúng mức.

Ngoài ra, thể chế, chính sách phát triển du lịch Việt Nam còn chưa đồng bộ, chưa đột phá. Ngành kinh tế du lịch còn manh mún. Việt Nam có quá ít các doanh nghiệp lớn làm về du lịch. Các thương hiệu, quốc gia về thương mại thì nhiều về du lịch thì còn ít.

“Du lịch chưa được đối xử thực sự như một ngành mũi nhọn, chưa được tích hợp có hiệu quả như một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Các yếu tố văn hoá, lịch sử, tâm linh chưa thấm đẫm trong du lịch…”, ông Lộc nói.

Chừng nào ngành du lịch Việt Nam còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với giá trị gia tăng không lớn, không thể tạo ra bước phát triển bứt phá trong ngành du lịch. Như vậy, ngành du lịch chỉ là ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh và bổ trợ cho công nghiệp du lịch.

Chủ tịch VIAC khẳng định, Việt Nam cần tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, do vậy, đang có dư địa và tiềm năng rất lớn.

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VIAC, Chủ tịch VINEN.

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VIAC, Chủ tịch VINEN.

Đổi mới, sáng tạo ngành du lịch

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, phát triển du lịch cần tới hệ sinh thái và chuỗi giá trị du lịch. Cần có hệ thống thể chế, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực có kỹ năng. Hệ sinh thái phát triển du lịch cần có những doanh nghiệp đầu đàn gắn kết với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, trong các chuỗi cung ứng. Cần phải đưa được câu chuyện văn hóa, câu chuyện nhân văn, thổi hồn vào các tour và các điểm đến du lịch.

Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, việc đối xử với ngành du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp xúc tiến văn hoá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng. Bởi các đối tác đầu tư, các bạn hàng thương mại đến Việt Nam ở giai đoạn khởi đầu hầu hết đều qua những tour du lịch kết hợp tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đối tác kinh doanh. Do đó, cần phải phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, tạo nên nội hàm mở của ngành du lịch.

Du lịch homestay gắn liền với những hộ kinh doanh nhỏ, trải nghiệm văn hoá bản địa gắn với cuộc sống gia đình, cộng đồng bản địa cũng cũng là một xu hướng Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy.

Bên cạnh sự chuyên nghiệp, những xu hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường và kinh tế số cũng cần được ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực du lịch. Việt Nam khuyến khích những mô hình kinh doanh mới, những mô hình bất động sản mới dành cho du lịch như Condotel… để tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch.

Việt Nam cũng vừa có bước tiến đột phá trong việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, kéo dài thời hạn visa, miễn visa theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác.

Ông Lộc đánh giá, các chính sách này đã có bước đột phá, tuy nhiên cần phải tiếp tục cập nhật các xu hướng diễn biến trên thế giới để có thể tiếp tục cải tiến, cởi mở hơn để đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực chính sách, thể chế và thủ tục cho phát triển du lịch và giao lưu quốc tế.

Cuối cùng, ông Lộc không quên nhấn mạnh việc làm tốt hơn công tác quảng bá xúc tiến quốc gia về du lịch. Sự chuyên nghiệp trước hết phải bắt đầu trong lĩnh vực này đặc biệt là quảng bá và khai thác tốt hơn các giá trị văn hóa lịch sử, chúng ta phải kể cho thế giới câu chuyện của Việt Nam để làm nên hồn cốt cho nền du lịch mới. Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng rất cần thiết trong lĩnh vực này bởi du lịch là không gian mênh mông cho những ý tưởng sáng tạo.

Vị chuyên gia lấy dẫn chứng về các buổi diễn có chiều sâu và sáng tạo như “Ký ức Hội An”, hay “Tinh hoa Việt Nam”, “Tinh hoa Bắc Bộ”… được khách du lịch và báo chí công luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao như là một trong những điển hình tiên phong trong đầu tư cho du lịch văn hoá.

“Điều này rất cần thiết cho chúng ta để giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, giáo dục cho con cháu và chia sẻ cho bạn bè quốc tế. Du lịch là con người, là văn hóa, là cộng đồng, là bảo vệ môi trường. Các giá trị cốt lõi đó của ngành du lịch là các giá trị chúng ta cần theo đuổi”, Chủ tịch VIAC cho biết.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục