Nan giải đòi lại nhà vì trót cho “người tình” ở nhờ

(ĐTCK) Bỏ tiền mua nhà nhưng sau hơn 2 năm khởi kiện, ông P. mới lấy lại được tài sản của mình vì trót cho “người tình” ở nhờ.
Nan giải đòi lại nhà vì trót cho “người tình” ở nhờ

Ông P. (SN 1948, ở Nam Định) trình bày, qua các mối quan hệ, ông biết bà Điểm có căn nhà trên phố Kim Ngưu (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) muốn rao bán. Nguồn gốc căn nhà trên bà Điểm mua của Công ty Rau củ quả Hà Nội.

Đầu năm 1994, ông P. và bà T. (SN 1950, quận Hai Bà Trưng) tìm đến hỏi mua và thống nhất với bà Điểm giá nhà đất trên là 33 cây vàng. Ngày 10/6/1994, ông P. cùng mẹ con bà T. cùng đến nhà bà Điểm làm thủ tục mua bán nhà đất. Trước sự chứng kiến của mọi người, ông P. giao 168 triệu đồng (quy đổi từ 33 cây vàng). Nhận tiền, bà Điểm viết giấy bán nhà đất trên. Ông P. đã kê khai cụ thể loại tiền, tổng số tiền, có chữ ký của bà Điểm và nhận lại giấy tờ bán nhà.

Nhận nhà, nhưng do công tác xa, ông P. đồng ý cho mẹ con bà T. mượn nhà, song chỉ có thỏa thuận miệng. Trong thời gian này, ông P. photo toàn bộ giấy tờ mua bán nhà đất kèm bản gốc Quyết định số 05/4.1.1993, tờ khai nộp thuế nhà đất và hợp đồng sử dụng nước để bà T. khai báo tạm trú.

Đến năm 1996, ông P. nhiều lần đòi lại nhà nhưng bà T. không trả. Năm 2010, khi có Luật cư trú, ông P. đã kê khai xin cấp sổ đỏ nhưng không được đồng ý do bà T. có văn bản lên UBND phản đối. Thời gian này, ông P. mới “ngã ngửa” khi biết bà T. tự ý sửa chữa nhà của ông vào năm 2005. Năm 2013, ông P. làm đơn khởi kiện đòi lại nhà và đề nghị tòa án chấp nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông với bà Điểm.

Bà T. không đồng tình nội dung của ông P. và cho rằng bản thân là chủ nhân của căn nhà trên. Theo bà T., khi ký kết hợp đồng, bà mải đếm tiền nên không biết chuyện ông P. tự ý hướng dẫn người bán viết tên ông P. ở mục người mua nhà. Bà T. cũng cho rằng giữa bà và ông P. có quan hệ tình cảm, tin tưởng ông P. sẽ sớm bỏ vợ nên bà không yêu cầu bà Điểm viết lại giấy bán nhà. Từ năm 1996, con gái đi lấy chồng, bà cùng con trai chuyển đến ở căn nhà trên và bỏ công sửa chữa, nâng cấp nhà với chi phí hết 400 triệu đồng. Tuy nhiên, bà không còn giữ các hóa đơn này.

Sau đó, bà T. có đơn phản tố yêu cầu tòa công nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa bà và bà Điểm có hiệu lực pháp luật và xác định nhà, đất là quyền sở hữu của bà. Tòa xác định đây là vụ việc tranh chấp 2 nội dung là tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất và đòi nhà ở nhờ.

Cấp sơ thẩm xác định hợp đồng mua bán nhà được xác lập tự nguyện, giao dịch tuy không có công chứng nhưng không xảy ra tranh chấp giữa hai bên mua – bán. Lời khai của bà T. không có cơ sở. Do đó, tại cấp sơ thẩm TAND quận Hai Bà Trưng tuyên chấp nhận nội dung khởi kiện của ông P., đồng thời buộc ông này hỗ trợ cho bà T. khoản tiền hơn 80 triệu đồng.

Sau đó, bà T. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. VKSND quận Hai Bà Trưng cũng kháng nghị nội dung khoản tiền bà T. bỏ công xây dựng.

Ngày 1/12, TAND TP Hà Nội đã xem xét nội dung kháng cáo. Do không có tình tiết mới, cấp phúc thẩm đã bác đơn của bà T., giữ nguyên nội dung án sơ thẩm đã tuyên.

Tuy nhiên, tòa chấp nhận kháng nghị và buộc ông P. phải hỗ trợ thêm cho bà T. 70 triệu đồng tiền tu sửa, nâng cấp nhà.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục