Nắn dòng tiền để kiểm soát sốt đất

0:00 / 0:00
0:00
Ở tầm vĩ mô, sốt đất đã cuốn lượng lớn nguồn lực của những lĩnh vực sản xuất đổ vào đất đai, tạo ra hiện tượng bong bóng, gây nguy hại cho nền kinh tế.
Những tấm biển rao bán đất mọc lên nhan nhản trong cơn sốt đất Những tấm biển rao bán đất mọc lên nhan nhản trong cơn sốt đất

Ông chủ phó mặc cửa hàng kinh doanh cho nhân viên, người dân bán đi những mảnh đất vốn là sinh kế… chỉ là những lát cắt về hệ lụy của cơn sốt đất.

Nguyên nhân chính gây tăng giá bất thường

Những cơn sốt đất vừa qua đều viện cớ quy hoạch của khu đô thị hay dự án lớn. Đơn cử như Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (Hà Nội), ý tưởng xây dựng sân bay Técníc (Bình Phước), hay quy hoạch chung TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những cơn sốt đất xuất hiện trong bối cảnh các vấn đề cơ bản của nền kinh tế không hề hỗ trợ cho giá đất. Chẳng qua là giữa lúc nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi không biết đổ tiền vào đâu, thì bất động sản và chứng khoán trở thành kênh hấp dẫn trong khi USD đi ngang, còn vàng thì bấp bênh.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, tâm lý lo ngại bất ổn trong tương lai khiến tiêu dùng bị chững lại, người dân có xu hướng tiết kiệm và lựa chọn đầu tư những tài sản an toàn hơn”, ông Hiếu nói.

Tương tự, PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, xu hướng này tác động rất rõ đến thị trường tài sản, khi giá cả tiêu dùng chưa tăng thì giá chứng khoán và giá bất động sản đã tăng mạnh, một phần là tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, một phần do dòng tiền trong nền kinh tế không tìm được các nguồn đầu tư sản xuất, kinh doanh, bởi trong bối cảnh Covid-19 đầu tư sản xuất, kinh doanh gặp rủi ro lớn so với việc đầu tư vào các tài sản, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán.

Chuyên gia này cho rằng, các cá nhân và doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi do sản xuất bị ngưng trệ vì Covid-19, chuyển dịch tiền tiết kiệm vào các thị trường tài sản, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tăng giá bất thường của thị trường bất động sản thời gian vừa qua.

Hệ lụy

Dự án sân bay Técníc (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) chỉ mới được thai nghén, nhưng cơn sốt đất tại huyện này đã rầm rộ khi người dân rỉ tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay với diện tích lên tới 500 ha. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ và chỉ còn lại hệ quả của cơn sốt.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao tại Savills Việt Nam phân tích, việc người dân địa phương chạy theo cơn sốt và bán đi những mảnh đất đã là nguồn thu nhập chính từ trước đến nay là vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể, tại Hớn Quản, đa phần người dân sống nhờ vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây cao su, cho nên việc bán đi những mảnh đất này không khác gì bán đi cần câu cá, khiến họ mất đi nguồn thu nhập chính.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại nhiều nơi, người dân bỏ công việc để lao vào đầu tư đất, mọi nguồn lực đổ vào vòng xoáy tăng giá đất, làm suy giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.

PGS-TS. Phạm Thế Anh cảnh báo, các cơn sốt đất làm tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội, tăng khoảng cách giàu nghèo, khiến khả năng tiếp cận nhà ở đối với người lao động làm công ăn lương ngày càng khó khăn, xa vời.

“Điều nguy hại hơn là những cơn sốt đất hút lượng lớn dòng tiền đổ vào thị trường này và rời xa các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội. Trong khi đó, dòng tiền đổ vào các cơn sốt bất động sản chỉ tạo ra lợi nhuận ăn chênh chứ không tạo ra của cải thực cho xã hội”, ông Phạm Thế Anh nói.

Còn theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng BIDV, các cơn sốt đất không còn là hiện tượng cục bộ, mà đã lan ra 25-30 tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến áp lực lạm phát tăng cao và lạm phát năm nay nhiều khả năng sẽ tăng hơn so với năm ngoái, bởi lẽ thị trường xuất hiện bong bóng tài sản, gây áp lực cung tiền.

Giải pháp cắt cơn sốt

Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh, mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Khuyến nghị về vấn đề này, ông Phạm Thế Anh cho rằng, các cơ quan quản lý chính sách vĩ mô cần thận trọng đưa ra các chính sách mở rộng tài khóa cũng như tiền tệ, bởi những chính sách đó ở Việt Nam không đem lại lợi ích nhiều cho khu vực sản xuất thực, mà nó chảy vào những khu vực đầu cơ nhiều hơn.

Trên thị trường tài sản, việc một bộ phận người giàu lên nhanh nhờ giá chứng khoán và giá bất động sản tăng nhanh có thể đẩy nhu cầu bất động sản và chứng khoán tăng cao trong thời gian tới. Theo ông Phạm Thế Anh, xu hướng này có thể chưa thành mối đe dọa đến lạm phát ngay, nhưng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì đó là những rủi ro cần lưu ý.

Trong điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, cần cân nhắc đến sự dịch chuyển của dòng vốn vào các thị trường này, không riêng vốn trực tiếp đổ vào tín dụng bất động sản, mà chính sách tín dụng phải hướng đến nắn dòng tiền nhàn rỗi, tiết kiệm của cá nhân và doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất thực, thay vì đổ vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán.

Ông Cấn Văn Lực thì khuyến nghị, cần phải chấn chỉnh những cơn sốt, bởi nó tạo ra sự bất ổn, bong bóng thị trường và sự không bền vững, chưa kể những nhà đầu tư và doanh nghiệp còn dùng đến đòn bẩy tài chính để đầu tư. Đối với các cơn sốt đất, vừa rồi Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chỉ đạo, nhưng cần phải quyết liệt hơn nữa.

Dự báo về thị trường bất động sản trong quý II/2021, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ có thể sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục