Năm trầm lắng sản phẩm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã có một năm giao dịch bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản. Tuy nhiên, việc nhiều sản phẩm mới lỗi hẹn khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.
Những phiên giao dịch tỷ đô thường xuyên xuất hiện trong năm 2021. Những phiên giao dịch tỷ đô thường xuyên xuất hiện trong năm 2021.

Thiếu vắng các sản phẩm mới

Ngày 28/6/2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Cover Warrant - CW) chính thức triển khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đánh dấu sự ra mắt của một sản phẩm mới dành cho các nhà đầu tư bên cạnh các sản phẩm truyền thống là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ.

Kể từ đó đến cuối tháng 11/2021 đã có 456 mã CW trên 27 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.

Mục tiêu của cơ quan quản lý khi đưa CW vào vận hành là nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết "room" (tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài).

Bên cạnh đó, việc triển khai CW cũng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường chứng khoán dựa trên tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, hài hòa với điều kiện thực tế của Việt Nam, hội nhập với thị trường tài chính khu vực và thế giới.

Đồng thời, bổ sung nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường, là cơ hội cho các công ty chứng khoán cải thiện chất lượng hoạt động, nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm.

Tổ chức giao dịch CW dựa trên tài sản cơ sở ban đầu là cổ phiếu, nhưng về dài hạn sẽ phát triển các sản phẩm cơ cấu phức tạp hơn.

Tuy nhiên, sau sản phẩm CW, chưa có thêm sản phẩm mới ra mắt thị trường trong 2 năm qua, dù trước đó, sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được kỳ vọng sẽ sớm đưa vào áp dụng trên thị trường.

NVDR không phải là một sản phẩm phổ biến trên thế giới, nhưng được giao dịch khá hiệu quả tại một số thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia...

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, sản phẩm NVDR được hình thành theo một sáng kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Thái Lan vào năm 2000 sau một loạt nỗ lực tìm kiếm giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và đã giúp thị trường chứng khoán Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Hiện giá trị giao dịch NVDR bình quân/ngày chiếm hơn 20% tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.

Là thị trường đi sau, nhưng với sản phẩm NVDR, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hy vọng mở ra một cánh cổng mới đón vốn ngoại, bên cạnh cánh cổng hiện hữu là nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều thành viên thị trường đang chờ đợi sản phẩm NVDR sớm đi vào hoạt động, nhất là khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có hiệu lực.

Thực tế, sản phẩm NVDR đã được định danh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2021. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể phải chờ thêm một vài năm nữa, bởi thị trường vẫn đang chờ pháp nhân phát hành NVDR (Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam) và khung pháp lý cụ thể cho NVDR vận hành.

Chưa kể, yếu tố bệnh dịch Covid-19 cũng ít nhiều tác động đến tiến độ chạy thử của hệ thống công nghệ, triển khai sản phẩm mới, khi liên quan đến vấn đề thẩm định của các chuyên gia nước ngoài.

Trên thị trường phái sinh, sau 4 năm đi vào hoạt động (từ 10/8/2017) với chỉ hai sản phẩm, đến tháng 6/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào giao dịch.

Việc lựa chọn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm làm tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đã được cân nhắc, tính toán dựa trên tính thanh khoản, cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay.

Theo thống kê của HNX, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chiếm tỷ trọng lớn không chỉ về mặt khối lượng phát hành (trong các trái phiếu kỳ hạn phát hành dài) trên thị trường sơ cấp, mà còn về khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Đây là sản phẩm thứ 3 trên thị trường chứng khoán phái sinh, sau 2 sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm tiếp tục góp phần đa dạng hoá sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh, đồng thời được kỳ vọng là sản phẩm phòng vệ rủi ro hiệu quả cho thị trường trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn mong muốn HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và các thành viên thị trường sớm nghiên cứu xây dựng và bổ sung sản phẩm mới cho thị trường phái sinh để thị trường phong phú, đa dạng và đáp ứng nhu cầu của công chúng đầu tư.

Kỳ vọng 2022 sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới

Trong 10 tháng đầu năm 2021 có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, gấp gần ba lần số tài khoản mở mới của cả năm trước và cao hơn tổng số tài khoản mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).

Tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến hết tháng 10/2021 là hơn 3,81 triệu, tương đương gần 3,9% dân số. Với tốc độ này, mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán đến năm 2025 theo Đề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Chính phủ sẽ sớm đạt được.

Điều này cho thấy, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia chứng khoán tăng trưởng nhanh hơn dự tính, giúp huy động được nguồn vốn lớn trong dân vào kênh dẫn vốn này.

Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE ghi nhận hơn 1,2 tỷ USD, đặc biệt phiên ngày 3/11, nhiều kỷ lục được xác định khi hơn 1,5 tỷ cổ phiếu sang tay, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 52.000 tỷ đồng, tương đương 2,28 tỷ USD.

Chỉ sau đó hơn 2 tuần, kỷ lục này đã bị phá vỡ với hơn 2 tỷ đơn vị, tổng giá trị gần 56.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các sản phẩm chưa phát triển tương ứng với quy mô phát triển của thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư.

Bên cạnh các sản phẩm như DVNR, thì những sản phẩm được kỳ vọng làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường cơ sở như giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) đã nhiều lần lỗi hẹn.

Lỗi hệ thống giao dịch của HOSE và nhiều sản phẩm mới như NVDR, T+0 lỗi hẹn là điểm trừ trong một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho biết, hiện khung pháp lý cho sản phẩm T+0 đã có, vấn đề là nền tảng công nghệ, trong đó có sản phẩm được tích hợp trong gói thầu KRX.

Liên quan đến sự chuẩn bị trên nền tảng công nghệ mới, có 2 vấn đề mà VSD quan tâm, đó là triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở và các sản phẩm như T+0 sẽ ra mắt thị trường trong năm 2022. Ngoài ra, triển khai một số sản phẩm nghiệp vụ kèm theo như bán chứng khoán chờ về.

Đối với hệ thống CCP cho thị trường cơ sở, nếu áp dụng thì hệ thống này sẽ cho phép nhà đầu tư bỏ việc ký quỹ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán, tương tự hầu hết các thị trường trên thế giới.

Lãnh đạo HOSE cũng cho biết, dự án KRX đến thời điểm này đã qua giai đoạn kiểm thử nội bộ và sẽ sớm đưa vào vận hành chính thức. Khi đi vào vận hành sẽ tạo nền tảng để triển khai các sản phẩm mới trong tương lai.

Hoàng Anh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,203.94 -1.67 -0.14% 64,824 tỷ
HNX 226.41 -1.46 -0.65% 519 tỷ
UPCOM 87.99 -0.38 -0.44% 250 tỷ