Công nghệ sẽ hỗ trợ cho nhiều sản phẩm chứng khoán mới

(ĐTCK) Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, hệ thống mới do VSD và các Sở GDCK đang xây dựng có tính năng cho phép thực hiện giao dịch trong ngày. Tuy nhiên, đây là giao dịch mới, cần sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, sự thích ứng và cần cả cơ chế khắc phục các rủi ro tiềm ẩn. 
Ông Dương Văn Thanh Ông Dương Văn Thanh

Với tư cách là đơn vị tổ chức và vận hành toàn bộ hệ thống thanh toán chứng khoán của thị trường, ông có thể cho biết thực trạng thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán cơ sở trong năm 2019 cũng như những giải pháp mà VSD đã và đang hỗ trợ thị trường nhằm thúc đẩy tính thanh khoản?

Năm 2019 là năm triển khai một số sản phẩm mới của thị trường như chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Sự ra đời của các sản phẩm này một mặt giúp thị trường sôi động hơn và tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường, mặt khác làm gia tăng khối lượng thanh toán của toàn thị trường.

Với vai trò là tổ chức đảm nhận hoạt động thanh toán của toàn thị trường, VSD đã phối hợp với các thành viên thị trường và các ngân hàng thanh toán thực hiện bù trừ và thanh toán thông suốt, an toàn, bảo mật và hiệu quả cho các loại chứng khoán niêm yết trên các Sở giao dịch.

Từ đầu năm đến ngày 31/10/2019, tổng giá trị thanh toán chứng khoán qua VSD đạt 3,3 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị thanh toán trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng lớn, đạt 2,8 triệu tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù khối lượng thanh toán qua VSD trong 10 tháng đầu năm tương đối lớn, song các thành viên đều tuân thủ chặt chẽ kỷ luật thanh toán và các quy định của VSD, thực hiện thanh toán đúng hạn và không phát sinh trường hợp thành viên thiếu tiền phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán.

Điều này cho thấy, quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán thành viên những năm gần đây đã có được các kết quả khả quan, tiềm lực, năng lực tài chính và công tác quản trị rủi ro của các công ty từng bước được nâng cao hơn.

Mặt khác, những giải pháp nhằm tăng cường quản lý, giám sát thành viên thông qua việc quy định các biện pháp chế tài xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm quy chế nghiệp vụ của thành viên với nhiều cấp độ của VSD, cũng như hoạt động tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ thanh toán và việc phổ biến các kiến thức mới, hướng dẫn các nghiệp vụ mới cho thành viên nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả xử lý nghiệp vụ giữa VSD và các thành viên đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong giai đoạn tới, về phía VSD, với vai trò là tổ chức hạ tầng, thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho toàn thị trường, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thanh toán nhằm góp phần thúc đẩy tính thanh khoản đối với thị trường chứng khoán cơ sở, trong ngắn hạn, VSD sẽ tăng cường quản lý, giám sát thành viên; đẩy mạnh hoạt động tập huấn nghiệp vụ nhằm phổ biến kiến thức mới, hướng dẫn nghiệp vụ mới trong hoạt động thanh toán cho thành viên; tích cực phối hợp, trao đổi với thành viên nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho thành viên.

Bên cạnh đó, VSD đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để đẩy mạnh hiệu quả thanh toán cho toàn thị trường thông qua việc tích cực phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhà thầu và các bên liên quan để triển khai gói thầu “Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” (gói thầu 04), nhằm thiết lập hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường.

Về dài hạn, VSD sẽ nghiên cứu để áp dụng mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường chứng khoán cơ sở sau khi có sự đồng bộ về mặt pháp lý, hoàn thiện về mặt cơ chế chính sách cho phép VSD có được những công cụ để quản lý rủi ro, cơ chế để xử lý các trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán, cũng như sự sẵn sàng của thành viên thị trường khi mà tiêu chí trở thành thành viên và được VSD cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán sẽ khắt khe hơn để đáp ứng yêu cầu theo mô hình mới.

Tôi tin tưởng rằng, các nhóm giải pháp đồng bộ trên sẽ giúp nâng cao toàn diện hiệu quả thanh toán, tăng cường tính tuân thủ kỷ luật thanh toán của thành viên, qua đó từng bước giúp nâng cao tính thanh khoản cho toàn thị trường và góp phần thiết thực vào thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển thông suốt và bền vững.

Công nghệ thông tin được xem là “xương sống” và là nền tảng quan trọng đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành an toàn, hiệu quả, thông suốt và bảo mật, cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Ông có thể chia sẻ lộ trình triển khai gói thầu 04 và khi nào hệ thống mới sẽ chính thức đi vào hoạt động?

Với ý tưởng hình thành hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường, kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký cho đến bù trừ, thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường, năm 2016, gói thầu “Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin (gói thầu 04)” đã được ký kết.

Dự án gói thầu 04 do HOSE làm chủ đầu tư cùng với các đơn vị thụ hưởng là VSD, HNX.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gói thầu 04 được HOSE, HNX và VSD phối hợp với nhà thầu tích cực triển khai.

Về phía VSD, trong năm 2019, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và phía nhà thầu hoàn thành các hạng mục: hoàn thiện tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán (CSDR);

Triển khai kết nối WAN với HOSE thông qua các đường truyền do VNPT và Viettel cung cấp; trao đổi, thảo luận, thống nhất với HOSE/nhà thầu để hoàn thiện bộ tài liệu hệ thống và chiến lược kiểm thử hệ thống (UAT Strategy);

Phối hợp với nhà thầu xây dựng các mẫu biểu, kiểm thử dữ liệu chuyển đổi; xây dựng và kiểm thử hệ thống kế thừa (Legacy Systems); xây dựng kịch bản kiểm thử UAT cho chức năng và phi chức năng của hệ thống; kiểm thử kết nối từ VSD tới HOSE và tham gia kiểm thử nghiệm thu cài đặt ứng dụng; tham gia các khóa đào tạo vận hành, cài đặt hệ thống CSDR.

Về tổng thể, các hạng mục của gói thầu 04 đã cơ bản được hoàn thiện và đi vào giai đoạn kiểm thử/tập huấn.

Ngoài ra, các bên phối hợp với nhà thầu xử lý một số vấn đề còn vướng mắc trước khi nghiệm thu và kích hoạt hệ thống mới vào hoạt động. Theo lộ trình triển khai của gói thầu 04, hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý II/2020.

Công nghệ sẽ hỗ trợ cho nhiều sản phẩm chứng khoán mới ảnh 1

VSD tin rằng, các nhóm giải pháp đồng bộ trong năm 2020 sẽ giúp nâng cao toàn diện hiệu quả thanh toán, từng bước giúp nâng cao tính thanh khoản cho toàn thị trường. Trong ảnh: Các thành viên ngành quỹ tại hội nghị tổng kết của VSD, tháng 11/2019.

Cùng với xây dựng hệ thống mới, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế được thị trường rất quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về khả năng hoàn tất kết nối công nghệ toàn thị trường và những sản phẩm, dịch vụ mới có thể được phát triển trên nền tảng mới trong năm 2020, đặc biệt là sản phẩm giao dịch trong ngày (T+0)?

Gói thầu 04 trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán.

Hệ thống mới phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HOSE và HNX, cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán (cho cả thị trường cơ sở và phái sinh) của VSD.

Hệ thống này đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm, dịch vụ mới như nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về, dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp tại VSD, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở…

Đối với giao dịch trong ngày, hiện nay, về mặt pháp lý đã có quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC. Về mặt hệ thống, hệ thống mới do VSD và các Sở giao dịch đang xây dựng có tính năng cho phép thực hiện giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về.

Tuy nhiên, đây là giao dịch mới của thị trường, do vậy để triển khai thành công thì bên cạnh sự sẵn sàng về chức năng hệ thống, còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, sự thích ứng về mặt hệ thống cũng như triển khai nghiệp vụ của các thành viên thị trường, đồng thời cần có cơ chế khắc phục các rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

VSD đang nghiên cứu xây dựng các quy chế, quy trình hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể triển khai nghiệp vụ này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng.

Hải Vân
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục