Từ sản phẩm du lịch trải nghiệm
Nhằm đẩy mạnh phát triển, phục hồi du lịch, mới đây Sở Du lịch Quảng Bình đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch được coi là điểm nhấn khác biệt, hút du khách trong năm 2023.
Theo đó, ngoài những sản phẩm du lịch, địa điểm đã tạo nên thương hiệu cho du lịch Quảng Bình thì nhiều sản phẩm du lịch mới đang được "thai nghén" và ra đời vào cuối năm 2022, làm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, giúp du khách thêm nhiều trải nghiệm khi đặt chân đến Quảng Bình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, hàng loạt sản phẩm du lịch mới được nghiên cứu, thẩm định và cho phép khai thác thử nghiệm tại địa phương trong năm 2023.
Trong đó, có nhiều sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên mới được coi là điểm nhấn khác biệt, hút khách trong năm 2023, như: "Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hoá người Bru-Vân Kiều"; "Khám phá hang Ô Rô-hang Hoàn Mỹ"; Khám phá hung Thoòng, "Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt" tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa…
Một số sản phẩm cũng được tiếp tục khai thác thử nghiệm, như: Chương trình tham quan 4 ngày, 3 đêm của sản phẩm du lịch "Khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy"; "Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích lịch sử"; khai thác "Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình".
Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác tạm thời sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng", xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Chia sẻ về sản phẩm du lịch mới "Hành trình khám phá hung Thoòng", mới đây tại sự kiện về kích cầu du lịch Quảng Bình, ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Jungle Boss cho hay, cung đường trải nghiệm này chắc chắn sẽ là điểm hẹn thú vị của những bước chân ưa thích mạo hiểm, say mê khám phá thiên nhiên kỳ vĩ. Sản phẩm này, du khách được khám phá rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng, chinh phục hang Hùng, hang Tròn và hang Thung, cắm trại bên suối hung Thoòng và khám phá thung lũng Ma Đa…
Đến tầm nhìn quy hoạch, đầu tư
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, năm 2022 chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của ngành du lịch Quảng Bình để mạnh mẽ vượt qua dự địa của giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tour trải nghiệm và trekking tại Quảng Bình. Ảnh: Sở Du lịch Quảng Bình. |
Tuy nhiên, “trong cái khó, ló cái khôn”, hành trình khó khăn tìm hướng phục hồi, khẳng định lại chỗ đứng, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn cần mẫn tìm kiếm sản phẩm mới, cải thiện sản phẩm cũ để mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt.
Năm 2023 được kỳ vọng sẽ là thời điểm để ngành Du lịch Quảng Bình tăng tốc, bứt phá thành công, lãnh đạo tỉnh này cho hay.
Để làm được điều đó, Quảng Bình cần chú trọng đến công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tăng cường thu hút đầu tư, kêu gọi những “sếu đầu đàn” về ngành du lịch về đầu tư dự án, tạo điểm nhấn trong vai trò dẫn dắt phát triển xa hơn.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư du lịch: Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”. Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia về du lịch, về kinh tế và các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao về “cách làm mới” của ngành du lịch Quảng Bình.
Chia sẻ tại sự kiện, KTS. Trần Ngọc Chính (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam), đánh giá du lịch tỉnh Quảng Bình là điểm đến an toàn, hấp dẫn, khác biệt. Tuy vậy, thời gian qua, việc phát triển hạ tầng du lịch tại tỉnh Quảng Bình còn một số hạn chế, bất cập…
Quảng Bình cần đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cần có tầm nhìn xa hơn và có những giải pháp đột phá, ông Chính hiến kế.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế khác cũng nhấn mạnh rằng, yếu tố làm mới du lịch địa phương là cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương nằm trên tuyến hành lang du lịch, xem xét cải cách thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho du khách quốc tế từ Lào, Thái Lan, Myanmar có điều kiện thuận lợi nhất đến Quảng Bình và ngược lại.
Các mô hình liên kết hiện này mà các tỉnh khu vực Bắc miền Trung đang làm như: mô hình 4 tỉnh “Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa”, mô hình 3 tỉnh “Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”… đều đang giúp các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và tạo nên chuỗi du lịch sản phẩm mới mang tính ưu việt. “Kết nối với nhau sẽ luôn là sợi giây dài, bền và khó đứt…”, chuyên gia du lịch ví von.