“Năm hạn” của Nhà Thủ Đức

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Nhà Thủ Đức từng thừa nhận quyết định thu hồi số thuế và tiền phạt gần 400 tỷ đồng có thể tạo ra rủi ro thanh khoản, rủi ro tài chính và khủng hoảng cho doanh nghiệp.

Năm 2020: Từ tin đồn bị thâu tóm đến dấu hiệu phạm tội trốn thuế

Hơn hai tháng kể từ khi Cục thuế TP.HCM ban hành các quyết định yêu cầu CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH – sàn HoSE) khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), sự việc đã ghi nhận thêm các diễn biến đáng chú ý.

Trong khi Nhà Thủ Đức khiếu nại lên tòa án đề nghị được áp dụng biện pháp khẩn cấp với lý do các vấn đề vẫn chưa được làm rõ, đồng thời, áp lực lớn của quyết định trên đến hoạt động kinh doanh, tâm lý làm việc, ảnh hưởng lớn đến đời sống cán bộ nhân viên, Cục thuế TP.HCM cũng có tới 3 lần gửi công văn đề nghị hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp trên.

Trong văn bản gửi đi ngày 24/2 vừa qua, cơ quan này dẫn ra ý kiến của Tổng cục Thuế và báo cáo của Tổng cục Hải quan điều tra xác định Nhà Thủ Đức cùng một công ty khác có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Tòa án sau đó đã chính thức hủy bỏ biện pháp khẩn cấp. Với quyết định trên của tòa án, Nhà Thủ Đức đang đứng trước nghĩa vụ nộp cho cơ quan thuế khoản tiền hàng trăm tỷ đồng mà càng chậm trễ nộp tiền chậm nộp còn bị tính thêm.

Đợt thanh tra sau hoàn thuế diễn ra vào tháng 9/2020. Cục thuế TP HCM đã ban hành tổng cộng 3 quyết định trong 2 hai ngày 25/12/2020 và 11/1/2021. Thông tin từ Nhà Thủ Đức, hai bản quyết định của Cục thuế TP.HCM ban hành ngày 25/12 yêu cầu công ty nộp tổng số tiền 396 tỷ đồng, bao gồm tiền thu hồi số thuế GTGT đã hoàn (hơn 331 tỷ đồng) và tiền chậm nộp (64,8 tỷ đồng) tương ứng với hai kỳ thanh tra 2017-2018 và nửa đầu năm 2019. Còn nội dung của quyết định thứ ba ban hành ngày 11/1/2021 chưa được Nhà Thủ Đức công bố.

Riêng số tiền phải nộp trên đã tương đương với lợi nhuận của doanh nghiệp này trong 4 năm gần đây. Khoản tiền hoàn thuế này liên quan đến hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử của Nhà Thủ Đức. Dù có hoạt động lõi từ khi thành lập là bất động sản, từ năm 2015, công ty kinh doanh thêm trong mảng thương mại, xuất nhập khẩu với mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và tạo nguồn thu ổn định. Mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 87% doanh thu và 37% lợi nhuận gộp trong năm 2019.

Án phạt hàng trăm tỷ đồng trong những ngày cuối năm 2020 không phải là cái “hạn” duy nhất của Nhà Thủ Đức trong năm qua. Kể từ khi trở thành công ty cổ phần những năm 2000, công ty chưa từng thua lỗ nhưng năm vừa qua là kỳ kinh doanh đầu tiên. Doanh thu hoạt động kinh doanh của công ty giảm một nửa. Doanh thu tài chính riêng quý IV/2020 thậm chí còn âm do liên quan đến hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư. Kết quả là lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 30 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, xuất hiện tin đồn M&A liên quan Nhà Thủ Đức, công ty cũng bán đi một trong những tài sản giá trị nhiều tiềm năng. Cụ thể, hồi giữa năm 2020, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, các cổ đông đặt ra nghi vấn xung quanh tin đồn nhóm cá nhân/tổ chức muốn thông qua việc mua cổ phần TDH trên sàn để tham gia vào HĐQT. Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Nhà Thủ Đức thừa nhận có nghe về tin đồn trên. Một trong các phương thức chống thâu tóm thù địch mà lãnh đạo công ty này đề cập là thực hiện các biện pháp để đối thủ nhận thấy không còn mục tiêu khi thực hiện M&A.

Thực tế, động thái mà Nhà Thủ Đức thực hiện thời điểm đó là bán đứt 49% cổ phần còn lại tại Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức – đơn vị quản lý vận hành chợ đầu mối trên diện tích hơn 20 ha tại Thủ Đức thu về gần 88 tỷ đồng. Từ năm 2018, Nhà Thủ Đức đã thoái 51% vốn công ty này, bên mua lại là cán bộ chủ chốt của chính ThuDucHouse.

Tiền mặt công ty mẹ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng dù vừa bán chợ nông sản

Trong văn bản gửi tòa án, một lo ngại được Cục thuế TP.HCM chỉ ra là khả năng doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế cho ngân sách nhà nước nếu Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục không hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Mức phạt hành chính lên đến cả trăm tỷ đồng trở thành vấn đề nan giải đối với Nhà Thủ Đức nếu nhìn vào các tài sản có tính thanh khoản cao nhất ở thời điểm hiện tại. Đến cuối năm 2020, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn 1,62 tỷ đồng từ mức 81 tỷ đồng hồi đầu năm.

Dù bán đi một số tài sản giá trị, công ty này lại dùng tiền để đầu tư vào Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ với tổng số tiền rót vào 737,8 tỷ đồng. Công ty này do Nhà Thủ Đức nắm 99% vốn và là chủ đầu tư của dự án Aster Garden Towers tại Bình Dương với quy mô 1.620 căn hộ, dự kiến bàn giao năm 2022.

Do vậy, lo ngại phía Cục Thuế TP.HCM không phải không có căn cứ. Gần một nửa trong tổng tài sản gần 3.600 tỷ đồng của công ty là khoản đầu tư vào các công ty con. Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ dù chỉ mới trở thành công ty con sau thương vụ M&A năm 2019, các khoản góp thêm vốn trong nửa cuối năm 2020 đã khiến đây trở thành tài sản có giá trị lớn nhất. Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty còn xấp xỉ 235 tỷ đồng, vẫn chỉ bằng chưa đến 60% của khoản tiền mà cơ quan thuế yêu cầu nộp lại.

Không dừng lại ở vi phạm hành chính

Báo cáo số 8194 của Tổng cục Hải quan chỉ ra rằng, CTCP phát triển Nhà Thủ Đức đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Không chỉ vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và C03 - Bộ Công an sau phối hợp điều tra xác định có hơn 70 doanh nghiệp liên quan trong đó có một số doanh nghiệp ma (không có thật), một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại... để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong giai đoạn từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2019, Nhà Thủ Đức mở 501 tờ khai xuất khẩu với trị giá tính thuế gần 5.290 tỷ đồng. Các sản phẩm linh kiện điện tử được Thuduc House lấy từ công ty con Thuduc House Wood Trading. Trong khi công ty con này chỉ nhập hàng từ An Lành Phát, còn An Lành Phát mua từ 4 công ty trong nước. Các công ty bán hàng này không có tại địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ hay người đại diện. Nhà Thủ Đức xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài mà không qua các công đoạn sản xuất. Quá trình điều tra cũng chỉ ra 3 lô hàng xuất khẩu cho đối tác được hải quan Hồng Kông xác định không được nhập khẩu vào Hồng Kông.

Theo Tổng cục Thuế, điểm bất thường nằm ở chỗ cùng một loại hàng hóa trong khi nhập khẩu khai báo giá trị rất thấp, nhưng giá trị xuất khẩu lại khai báo rất cao, chênh lệch khoảng hơn 50 lần dù hàng hóa có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau. Các lô hàng xuất khẩu chỉ có trọng lượng vài kilogam đến vài chục kilogam nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng. Chiêu thức xuất khẩu với giá cao để nhận về tiền hoàn thuế thực tế không mới mà đã có nhiều vụ việc bị phát hiện các năm qua.

Các tội danh đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố liên quan đến vụ án gồm tội buôn lậu (Điều 188); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).

Từ tháng 7/2016, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm ở hai tội danh buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (trước đây chỉ thể nhân (cá nhân) mới là chủ thể của tội phạm). Hiện tại, kết luận điều tra cũng như cáo trạng chưa được công bố, vụ án cũng cần qua các bước sơ thẩm và phúc thẩm tại tòa án mới có thể đưa đến kết luận cuối cùng.

Trong các văn bản giải trình tới các cổ đông đến nay, Nhà Thủ Đức vẫn liên tục khẳng định đã thực hiện viêc kê khai, nộp thuế GTGT theo quy đinh của pháp luât. Dù vậy, đây sẽ là giai đoạn sóng gió của doanh nghiệp địa ốc có thời gian hoạt động hơn 30 năm này. Bản thân ban điều hành công ty cũng thừa nhận quyết định thu hồi thuế GTGT có thể dẫn đến rủi ro thanh khoán, rủi ro tài chính, có khả năng tạo ra khủng hoảng.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục