Đó cũng là cơ hội mà Việt Nam đã tận dụng hiệu quả, mở ra một chương hợp tác mới cho 25 năm tiếp theo.
Bước từ “ao làng” ra biển lớn
Ngày 28/7/1995, quốc kỳ Việt Nam tung bay trên bầu trời Brunei, đánh dấu thời khắc Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
“Trung tâm Hội nghị quốc tế của Brunei nằm trên ngọn đồi, đứng trên đó nhìn thấy biển xanh ngắt. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, tôi nghĩ ngay đến bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống để có được vị thế Việt Nam như vậy”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại.
“Tâm tư đó được lặp lại vào năm 2000, khi tôi tham gia ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ở Nhà Trắng. Mình là quan chức đầu tiên vào Nhà Trắng. Thế thì nhờ cái gì? Nhờ xương máu của biết bao chiến sĩ đã hy sinh”, ông nói.
Theo ông Vũ Khoan, gia nhập ASEAN là bước ngoặt mang tính chiến lược cho cả Việt Nam và ASEAN, là biểu hiện rõ ràng nhất cho quan hệ cùng có lợi (win-win), chuyển từ cục diện xung đột sang hòa bình, từ nghi ngờ sang tin cậy, từ biệt lập, đặc biệt là kinh tế, thành cộng đồng cùng hợp tác và mở đầu cho quá trình đưa ASEAN trở thành hiệp hội gồm 10 quốc gia thành viên được coi trọng.
“ASEAN là bậc thang đầu tiên để Việt Nam hội nhập với thế giới", ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, bước đi này đã mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành nước đồng sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) cùng với 25 thành viên khác vào năm 1996. “Bác Vũ Khoan lúc đó là Trưởng SOM ASEAN đầu tiên của ta, cũng là Trưởng SOM ASEM. Các nước lúc đó muốn tìm một tên gọi cho tiến trình hợp tác Á - Âu và chính bác Vũ Khoan đã đề xuất tên gọi ASEM, viết tắt của ASEAN - Europe Meeting”, bà Nga hồi tưởng.
Nữ đại sứ nhìn nhận, Việt Nam đã tham gia đóng góp rất thiết thực, sáng tạo, thể hiện tâm huyết, nguyện vọng của Việt Nam là đồng hành với các nước trong khu vực.
“Nhờ hợp tác năm 1996 đó, chúng ta mới đồng hành được với APEC năm 1998, từ ao làng, ta ra sông, suối, rồi ra biển lớn”, bà Nga ví von.
Theo nữ Đại sứ, với tất cả cán bộ ngoại giao, ASEAN là bài học đầu tiên khi hoạt động đối ngoại, nhất là đa phương. Vì thế, ASEAN được coi là cơ chế ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.
Trong bài viết nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2020), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định, 25 năm qua, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hữu nghị, hợp tác, không có chiến tranh. Đi đôi với thúc đẩy hợp tác ASEAN, chúng ta đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác. Vai trò ngày càng tăng trong ASEAN giúp ta tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Đối với Việt Nam, hội nhập ASEAN giúp chúng ta từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021), đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC (năm 2006, năm 2017), tích cực tham gia xây dựng các “luật chơi” quốc tế, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19...
Làm chủ những “cuộc chơi” lớn
Năm 2020 đã khép lại với những thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, khi lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nước nhà, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo được những dấu ấn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chủ đề Năm ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã trở thành “thương hiệu” bởi sự phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa toàn cầu.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, chuỗi hoạt động quan trọng nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, có tới hơn 80 văn kiện đã được thông qua. Đây là khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất trong lịch sử các kỳ hoạt động của ASEAN.
Gia nhập ASEAN đánh dấu việc Việt Nam thực sự tham gia với tư cách thành viên đầy đủ của một tổ chức quốc tế, tức là có tiếng nói, có quyền phủ quyết, được đóng góp ý kiến, có tham gia nguồn lực và xử lý các vấn đề hàng ngày.
Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga
Đặc biệt, với sự năng động, sáng tạo của nước chủ nhà Việt Nam, nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 với 12 triệu USD đóng góp của các nước, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp đầu tiên của khu vực mà Việt Nam đóng góp 5 triệu USD, thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp...
Một thành tựu nổi bật của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là việc ASEAN và các đối tác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán cam go, gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại mới đầy hứa hẹn, giúp hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Đảm nhiệm “vai trò kép”, vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc với kỷ lục 110 nước đồng bảo trợ.
Tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nhìn lại năm 2020, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét.
“Chúng ta đã không chỉ khéo léo, linh hoạt dẫn dắt, điều hòa những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết, đồng thuận của Hiệp hội, mà còn xử lý hài hòa, hiệu quả các bất đồng giữa các đối tác, qua đó, tất cả các hội nghị trong năm diễn ra suôn sẻ, thành công. Ðặc biệt, chính việc chúng ta kiểm soát được đại dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội đã làm các bạn bè khu vực và quốc tế hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam, ủng hộ và hưởng ứng tích cực những sáng kiến, kế hoạch do ta đề xuất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Có thể nói, từ những bỡ ngỡ ban đầu, qua 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực. Nhờ đó, trong những năm qua và đặc biệt là năm 2020, ASEAN khẳng định vị thế là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới.
Theo Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, trong thế kỷ XXI và thời đại số, rất cần không gian, không phải thị trường thuần túy, mà là không gian phát triển về an ninh, chính trị, gắn kết và con người. “ASEAN sẽ là không gian quan trọng về chiến lược với Việt Nam trong 25 - 30 năm tới”, bà Nga khẳng định.