Năm 2025 dự báo tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá

(ĐTCK) Theo Bộ Tài chính, năm 2025 còn tiềm ẩn các yếu tố có thể gây tăng giá một số nhóm mặt hàng như nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thực phẩm và một số mặt hàng do Nhà nước định giá, tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội cho phép (khoảng 4,5%).
Bộ Tài chính dự báo, năm 2025 còn tiềm ẩn các yếu tố có thể gây tăng giá một số mặt hàng.

Tại buổi Họp báo quý IV/2024 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 7/1, nhiều ý kiến cho rằng công tác điều hành giá cả năm 2025 sẽ rất khó khăn và đề nghị Bộ Tài chính cho biết giải pháp kiểm soát.

Trước đó, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và cả năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội.

Bộ Tài chính nhận định, đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024.

Tuy vậy, theo đánh giá chung, mặc dù công tác quản lý giá năm 2024 đã đạt thành công nhất định, song vẫn còn nhiều thách thức trong việc điều hành giá năm 2025.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, năm 2025 ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài, còn tiềm ẩn các yếu tố có thể gây tăng giá một số nhóm mặt hàng như nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thực phẩm và một số mặt hàng do Nhà nước định giá, gây tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội cho phép (khoảng 4,5%).

Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cho biết, để ứng phó với các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng, ngày 23/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; trong đó nêu cụ thể các biện pháp tổ chức, quản lý điều hành giá trong thời điểm đầu năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cũng như cả năm 2025.

Theo Lãnh đạo Cục Quản lý giá, dự kiến, trong tuần sau, Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ họp bàn, thống nhất đưa ra “kịch bản” quản lý, điều hành giá cho cả năm 2025. Cụ thể, cơ quan quản lý giá sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, để chủ động đưa ra các kịch bản điều hành giá đối với từng nhóm mặt hàng.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính trả lời báo chí tại buổi Họp báo quý IV/2024 chiều 7/1 (Ảnh: M.M)

"Như vậy, công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ một số giải pháp. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện các văn bản pháp luật về giá và đưa các chính sách vào cuộc sống", ông Bình nhấn mạnh.

Để góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ chủ động và hài hòa về chính sách tài chính, kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thực hiện điều hành giá và quản lý tốt tình hình giá cả thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung vào công tác dự báo, tổng hợp thông tin đạt hiệu quả cao nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ vào công tác này.

Ngoài các nhiệm vụ trên, theo Lãnh đạo Cục Quản lý giá, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá theo kế hoạch; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý, điều hành giá để tạo sự đồng thuận của người dân.

Để tăng cường quản lý giá dịp Tết Nguyên đán sắp tới và trong năm 2025, ông Phạm Văn Bình cho hay, Bộ Tài chính sẽ tổ chức 3 đoàn công tác đi nắm tình hình thị trường ở cả 3 miền, từ đồng bằng tới miền núi, để có những giải pháp điều hành giá hiệu quả.

Phát biểu về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đánh giá, cần sự chung tay của toàn xã hội trong công tác điều hành giá cả hàng hóa, bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo Thứ trưởng, tâm lý của xã hội, của người dân, của doanh nghiệp là rất quan trọng, tác động vào kết quả của chỉ số này năm 2025; trong đó truyền thông giữ vai trò trọng yếu.

"Bên cạnh các giải pháp về kinh tế vĩ mô, về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thì truyền thông cần nhìn nhận và ủng hộ cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ này. Còn về điều hành giá, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu... thì Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng cố gắng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, CPI tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục