Năm 2023 là cơ hội xuất khẩu Việt Nam dù thị trường thế giới khó khăn

Khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023 nhưng lại là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giữ vững tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa.
Diễn đàn xuất khẩu 2022 - “Vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên”.

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề “Vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD). Dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm sẽ đạt con số kỷ lục là hơn 700 tỷ USD, cán cân thương mại sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang nhận được nhiều thuận lợi ưu đãi về thuế quan, thủ tục xuất nhập khẩu, lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định chống đánh thuế hai lần.

Thế nên theo các diễn giả, chuyên gia, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023 nhưng với đà xuất khẩu cũng như lợi thế trên, cùng với các diễn biến xung đột quân sự, tình hình lạm phát và diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn thì năm tới cũng là thời cơ để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa.

Tại diễn đàn, ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Việt Nam để xác định những lĩnh vực và sản phẩm quan trọng đối với an ninh quốc gia, khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như sức khỏe và sự an toàn của người dân, từ đó thực hiện các hành động chung để tăng cường khả năng phục hồi của những lĩnh vực này, tạo việc làm và cơ hội kinh tế trong các ngành công nghiệp trọng điểm của tương lai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh định hướng sản xuất “xanh - tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước để ứng phó thích hợp với những thay đổi bất lợi.

Nguyễn Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục