Báo cáo tài chính riêng lẻ cho thấy, thu nhập lãi thuần của SCB tăng trưởng 163% trong năm 2021. Các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư… cũng hoạt động hiệu quả, đóng góp 36% vào tổng thu nhập hoạt động. Trong đó, doanh số bảo hiểm nhân thọ đạt 1.028 tỷ đồng, tiếp tục đưa SCB nằm trong nhóm Ngân hàng dẫn đầu thị trường Bancassurance trong nước.
Kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đạt 1.377 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã tiến hành tăng vốn điều lệ thành công từ 15.231 tỷ đồng lên 20.020 tỷ đồng.
Chất lượng nợ tại SCB trong năm 2021 cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,11%. Trong khi đó, ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180%. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản, an toàn vốn đều duy trì ở mức cao so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, giúp SCB có mức đệm vốn an toàn cho hoạt động kinh doanh.
Năm 2022, SCB đặt mục tiêu đạt ROE tối thiểu 5%, giữ vững tốc độ tăng trưởng thu phí dịch vụ tối thiểu 30% mỗi năm và quản trị chi phí hoạt động hiệu quả, nâng cao lợi nhuận.
Hiện nay Ngân hàng đang triển khai Dự án” Đánh giá chênh lệch và xây dựng lộ trình triển khai tuân thủ Basel II” với đối tác KPMG nhằm hoàn thiện và nâng cấp khung quản lý rủi ro với mục tiêu tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và quản lý hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế Basel.
Cùng với đó, SCB dự kiến tiếp tục tăng vốn theo lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Đây là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của Ngân hàng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng an toàn, hiệu quả và bền vững.