Năm 2020, xuất khẩu lâm sản lội ngược dòng ngoạn mục, đạt 13,17 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2020, xuất khẩu lâm sản Việt Nam lội ngược dòng ngoạn mục, bứt tốc vào nửa cuối năm, lập đỉnh 13,17 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, chiều 6/1. Ảnh: Minh Phúc. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, chiều 6/1. Ảnh: Minh Phúc.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, diễn ra chiều 6/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết: Năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen.

Dịch bệnh Covid-19 gần như diễn ra quanh năm khiến 6.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là trên 1.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Có những doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều áp lực. Bên cạnh đó từ tháng 6 - 9/2020, hiện tượng thời tiết bất thường như nắng, nóng, khô hạn đã gây cháy rừng, khiến hàng trăm ha rừng ở miền Trung bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, từ tháng 9 - 11, bão chồng bão gây mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều diện tích rừng bị sạt lở, trên 115.000ha rừng bị ảnh hưởng. Năm 2020 cũng là năm cạnh tranh thương mại diễn ra khốc liệt do đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp và hiệp hội gỗ đã phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, linh hoạt, thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực xuất khẩu từ trực tiếp sang online; thay đổi cơ cấu sản phẩm để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.

Có thể khẳng định, năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã vượt khó thành công. Riêng với lĩnh vực bảo vệ rừng, đã giảm được trên 1.000ha rừng bị thiệt hại, đây là kết quả rất ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Qua đó đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42%, tăng so với năm 2019 là 0,11%.

Năm 2020, nửa đầu năm có thời điểm kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng âm do ảnh hưởng tiêu cục của đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ những nỗ lực vượt bậc, nửa cuối năm xuất khẩu lâm sản lội ngược dòng ngoạn mục, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Năm 2020, Việt Nam đã trồng được 230.000ha rừng tập trung. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi rừng diễn tiến theo xu hướng tích cực. Cùng với việc phát triển rừng sản xuất, tổng sản lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã đạt 21 triệu tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu chế biến gỗ trong nước.

Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đạt kết quả theo hướng tích cực, với doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) được Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác thực hiện ký thỏa thuận với Bộ NNPTNT chi trả giảm phát thải tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 (viết tắt là ERPA) (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).

Với thỏa thuận này, FCPF sẽ thanh toán 51,5 triệu USD để Việt Nam chuyển nhượng lại 10,3 triệu tấn CO2 tương đương tại 6 tỉnh này.

Đây là một nguồn thu dịch vụ môi trường rừng rất quan trọng để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý bảo bảo vệ rừng trong bối cảnh các địa phương trên đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai lũ lụt thời gian vừa qua.

Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vẫn còn 3 khu vực chưa thực sự yên tâm, đó là Tây Nguyên, Tây Bắc và rừng ven biển. Bởi do đặc thù địa hình, địa chất và tập quán sinh hoạt của người dân, vẫn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh nguồn nước và đảm bảo phát triển bền vững. Các định mức kinh tế - kỹ thuật chi trả cho công tác khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ và phát triển rừng cũng chưa thỏa đáng.

Trong bối cảnh khó khăn, năm 2021, ngành lâm nghiệp đtặ mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục