Năm 2020: Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “sáng cửa“

(ĐTCK) Dù còn nhiều thách thức và tồn tại, nhưng với sự phát triển của hạ tầng và du lịch, theo các chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn là phân khúc đáng quan tâm trong năm 2020 và các năm tới.
Bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh: Lê Toàn Bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh: Lê Toàn

Nhiều thách thức…

Khi các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, hay gửi tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn các nhà đầu tư, thì bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá cao, vì là kênh đầu tư đồng hành cùng sự phát triển của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, khiến nhu cầu hưởng thụ cũng ngày càng lớn. Chưa kể, một số loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới như du lịch tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo, du lịch tâm linh… cũng ngày càng nở rộ, giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng càng thêm sôi động.

Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế như tính mùa vụ của du lịch, chưa có khung pháp lý rõ ràng với sản phẩm condotel, giá bán đã bị đẩy lên cao, không còn phù hợp với các nhà đầu tư lướt sóng, đặc biệt là sự đổ bể về cam kết lợi nhuận của một số dự án, mới nhất là Cocobay Đà Nẵng…, đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, từ đầu năm 2017, Hiệp hội đã nhiều lần tổ chức hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel và đã có nhiều kiến nghị lên các bộ, ngành, Chính phủ hợp thức hóa tính pháp lý cho condotel.

Năm 2020: Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “sáng cửa“ ảnh 1

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Ảnh: Lê Toàn 

Sau khi nghe kiến nghị, các bộ, ngành đều đồng ý, nhưng không bộ, ngành nào chịu ra văn bản hướng dẫn, mà đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thậm chí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giải quyết vấn đề này, nhưng đến nay, các bộ đều đang xem xét.

Dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Novaland cho biết, ngoài những vướng mắc về pháp lý, thì trình độ và kỹ năng nhân lực ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn còn khá yếu. Lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch nghỉ dưỡng chỉ chiếm 4% tổng số lượng lao động cả nước, dẫn đến mất cân đối khá lớn khi khách du lịch đổ về quá lớn trong một thời gian ngắn.

“Năm 2018, Việt Nam thu hút khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế, 11 tháng năm 2019 là 16,3 triệu lượt, nhưng tỷ lệ hướng dẫn viên du lịch thông thạo tiếng Anh chỉ 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Hàn Quốc chỉ 2%. Như vậy, ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nhân sự, chưa nói đến chất lượng”, ông Phiên nói và cho biết thêm, nếu không có sự chuẩn bị, nguồn nhân lực có khả năng bị thua ngay trên sân nhà khi nguồn lao động từ nước ngoài đổ vào.

… Nhưng tiềm năng lớn

Mặc dù còn nhiều khó khăn, tồn tại, nhưng với sự phát triển mạnh của ngành du lịch, các điểm nghẽn về pháp lý dần được tháo gỡ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 11 tháng năm 2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt gần 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới, cũng như khu vực, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, DKRA Vietnam cho biết, lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ chính là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong dài hạn. Về lâu dài, đây vẫn là phân khúc tiềm năng và sẽ là thế mạnh rất lớn của bất động sản Việt Nam.

“Trước mắt, chúng ta có thể thấy trục trặc, nhưng với những chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý đối với loại hình condotel của Thủ tướng Chính phủ, thị trường thời gian tới sẽ tích cực hơn. Về lâu dài, đây sẽ là phân khúc có tiềm năng phát triển rất tốt”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, những năm qua, bất động sản du lịch có thể chưa có điều kiện thuận lợi, thậm chí có một số sự cố, nhưng đó chỉ là cá biệt. Nhìn tổng thể thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư bền vững, một số thị trường mới như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên… đang được các “ông lớn” hướng tới. Trong đó, Bình Thuận đang là tâm điểm mới trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng, xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư bài bản.

Cụ thể, chỉ trong khoảng 1 năm trở lại đây, Novaland đã công bố triển khai 2 dự án quy mô lớn ở địa phương này là Nova Hills Mũi Né và NovaWorld Phan Thiet. Bên cạnh đó, còn có khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né, Khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né… của Tập đoàn Rạng Đông.

Ngoài ra, tại Kê Gà, có thể kể đến Tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay mới được Tập đoàn Nam Group ra mắt thị trường. Dự án tọa lạc mặt tiền tuyến đường biển quốc gia 719B, ôm trọn 1,7 km đường bờ biển trong vịnh Hòn Lan với quy mô lên đến 90 ha, tích hợp 12 phân khu tiện ích với điểm nhấn là trung tâm thể thao biển tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam.

“Nhà đầu tư nên loại bỏ lo lắng và tâm lý e ngại, mà phải nhìn vào triển vọng của thị trường hiện tại, cũng như trong tương lai khi hạ tầng phát triển, du lịch tăng trưởng mạnh để đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng”, đại diện DKRA nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có lợi thế rất lớn về kết nối giao thông và gần biển. Chưa kể, bên cạnh sự tăng trưởng về lượng khách du lịch, thì sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng góp phần vào sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng. Một số “ông lớn” trong ngành bất động sản như Novaland, Sunshine Group… đã nhìn thấy tiềm năng trong dài hạn ở các thị trường này, nên chuyển hướng dòng tiền vào đây.

“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển trong các năm tới. Cơ hội sẽ đến với các thị trường chưa tăng trưởng nóng trong những năm qua và đây sẽ là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm triển khai dự án”, vị chuyên gia này nói và cho biết thêm, khi tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần phải nhìn nhận rõ giá trị trong dài hạn, gắn liền với vị trí dự án, khoảng cách di chuyển đến các địa phương lân cận, tiềm lực khai thác du lịch của khu vực đó.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục