Năm 2019, Chính phủ sẽ điều hành kinh tế như thế nào?

Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã cho thấy những giải pháp điều hành kinh tế quan trọng trong năm 2019.
Năm 2019, Chính phủ sẽ điều hành kinh tế như thế nào?
Theo Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, được đưa ra thảo luận tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương, thì để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, hiệu quả”.

Trong đó, liên quan đến phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành để nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

8 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản

Đã có 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 được đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết số 01. Trong đó, giải pháp hàng đầu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo Dự thảo Nghị quyết, năm nay, thứ nhất, Chính phủ tiếp tục nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Việc điều hành lãi suất, tỷ giá cũng sẽ theo hướng linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Một trong những nội dung điều hành chính sách tiền tệ quan trọng khác, là tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng chính thức phù hợp đáp ứng nhu cầu của người dân và thay thế tín dụng đen; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.

Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay; phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Trong nhóm giải pháp này, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, bất động sản và khoa học - công nghệ. Đồng thời, triển khai Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới…

Việc hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, khuyến khích phát triển thị trường nhà ở cho thuê cũng sẽ được tập trung thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, sẽ công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với xử lý nợ xấu, Chính phủ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 5%.

Và quan trọng, là sẽ quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ tư, phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ sáu, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thứ tám, đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.

Giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành

Một điểm mới rất dễ nhận ra trong Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ năm nay, đó là các nhiệm vụ cụ thể đã được giao rất rõ cho từng bộ ngành, dù thực tế điều này vẫn được thực hiện từ các năm trước đây.

Chẳng hạn, sẽ giao từng bộ ngành theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Bộ Công thương “lo” chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng.

Tương tự, với Bộ Y tế là số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị; tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Một khi các nhiệm vụ được giao cụ thể cho các bộ ngành, khả năng hoàn thành các mục tiêu Phát triển kinh tế - xã hội 2019 sẽ ở mức cao hơn.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục