Năm 2019, BIDV nộp Ngân sách ước đạt 8.550 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng, năng lực tài chính và phát triển thể chế, trách nhiệm xã hội.

Cụ thể, về quy mô, ông Tú cho biết, tổng tài sản BIDV đến 31/12/2019 đạt 1.458.740 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm. Vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng 12,7%, đảm bảo cho hoạt động tín dụng. Chất lượng tín dụng: nợ xấu 1,6%. Nộp Ngân sách ước đạt 8.550 tỷ đồng.

Đối với năng lực tài chính, ông Tú chia sẻ, BIDV đã hoàn thành bán chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài với giao dịch trị giá 20.300 tỷ đồng; đưa vốn điều lệ của BIDV lên 40.220 tỷ đồng; thặng dư 14.300 tỷ đồng; vốn nhà nước tại BIDV 43.070 tỷ đồng. BIDV đã hoàn thành nhiệm vụ, điều kiện để Ngân hàng Nhà nước cho áp dụng Basel từ 01/12/2019.

“BIDV thực hiện tốt vai trò của Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước lớn. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc chính sách tiền tệ, tỷ giá; tiết giảm chi phí; cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (trong năm 2 lần hạ lãi suất với tỉ lệ 0,5 - 0,9%, doanh thu giảm gần 1.000 tỷ). BIDV đã đưa vào hoạt động Trung tâm Ngân hàng số, nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, tiện ích có hàm lượng công nghệ cao”, ông Tú thông tin.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục