Năm 2016, vàng khó lấp lánh!

(ĐTCK)  Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp giá vàng đi xuống, với mức giảm khoảng 10% trong năm. Việc đồng bạc xanh lên giá, giá dầu thô vẫn trong xu hướng giảm đang tiếp tục tạo sức ép lên giá kim loại quý. Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp giá vàng đi xuống, với mức giảm khoảng 10% trong năm. Việc đồng bạc xanh lên giá, giá dầu thô vẫn trong xu hướng giảm đang tiếp tục tạo sức ép lên giá kim loại quý.
Để hạn chế rủi ro, người có tiền nhàn rỗi không nên “bỏ trứng vào một giỏ”

Ngắn hạn, Vàng vẫn chịu sức ép mất giá

Giá vàng đã có chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp trong những ngày cuối tháng 12/2015, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục bị kéo giãn. Dù theo quy luật, nhu cầu vàng vật chất thường tăng lên vào dịp Tết, song các nhận định được đưa ra, vàng sẽ còn chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn, bởi không còn nhiều lực đỡ như thời gian trước.

Đáng chú ý là Fed đã chính thức kết thúc gần một thập kỷ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, với mức lãi suất bằng 0% và đang tính tới việc tăng dần lãi suất trong thời gian ngắn tới. Điều này đã tác động tích cực lên đồng USD, nhưng lại không tốt cho giá vàng, nên xu hướng vàng sẽ tiếp tục giảm thêm.

Mãi lực vàng xuống thấp trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Theo các phân tích được đưa ra, giá vàng hiện đang chật vật trong việc xác định hướng đi trong ngắn hạn. Giá kim loại quý này được dự báo khó có thể bật lên trong những ngày đầu năm 2016.

Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2016 và 2017, khiến đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu cao hơn có thể kéo giảm giá vàng, nhất là khi lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý này. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại châu Âu và Nhật Bản sẽ làm suy yếu đồng euro và yên so với USD, khiến USD ngày một mạnh hơn.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB
Vàng, giống như nhiều hàng hóa khác, có xu hướng hưởng lợi khi USD suy yếu và ngược lại. Ngân hàng Natixis (Pháp) đã đưa ra dự đoán, giá vàng trong năm 2016 bình quân đạt 990 USD/ounce, do Fed tăng lãi suất trở lại, đồng USD mạnh lên. Lãi suất của Mỹ có thể là yếu tố lớn nhất tác động đến giá vàng trong năm 2016.
Đồng thời, Natixis cũng dự đoán nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương các nước và Trung Quốc trong năm 2016 sẽ thấp hơn so với những năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, giá vàng bình quân có thể tăng lên trên 1.000 USD/ounce. Giá vàng dự báo tăng khi nguồn cung từ khai mỏ bắt đầu giảm do các công ty giảm đầu tư trong 5 năm qua.

Xuyên thủng mốc 1.000 USD/ounce?

Dù mức điều chỉnh lãi suất đồng USD trong tháng 12/2015 không lớn, lên 0,25%/năm, nhưng với tuyên bố sẽ nâng dần lãi suất của Fed, vàng sẽ khó tránh khỏi nguy cơ mất giá trong thời gian tới. Nếu sức ép lãi suất đồng USD tăng lên trong thời gian tới, rất có thể giá vàng sẽ xuyên thủng mốc 1.000 USD/ounce, vì hiện giá kim loại quý này đã tiệm cận với vùng giá này.

Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thị trường. Thực tế, trong thời gian qua, dù có chuỗi giảm giá nhiều ngày, nhưng giá vàng vẫn khó xuống ngưỡng 1.000 USD/ounce.

Để xuyên thủng 1.000 USD/ounce là rất khó, bởi đây là một ngưỡng cản tâm lý. Nếu ngưỡng cản này bị xuyên thủng, chúng ta cũng phải xem lại là lúc này Fed nâng tiếp lãi suất hay chưa. Giả sử vàng xuống dưới mức 1.000 USD/ounce mà Fed chưa điều chỉnh tiếp lãi suất thì khả năng sẽ giảm nữa là có thể xảy ra.

Nếu Fed đã giảm tiếp lãi suất và vàng xuyên thủng 1.000 USD/ounce thì khả năng vàng còn giảm so với cột mốc này. Không ít ý kiến cho rằng, giá thành sản xuất của các mỏ vàng hiện nay là 1.000 – 1.150 USD/ounce, nhưng theo quan sát của tôi, điều này chưa hoàn toàn chính xác.

"Trước sức nóng của đồng USD tăng và đồng NDT giảm, giá vàng sẽ quay đầu giảm".

Thực tế, năm 1999, giá vàng đã xuyên thủng 350 USD/ounce, bất chấp những ý kiến cho rằng giá vàng khó có thể xuyên thủng đáy trên, bởi giá thành đã trên 350 USD/ounce. Vì thế, chúng ta cũng không thể căn cứ vào giá thành để dự đoán giá vàng không thể xuyên thủng mức này, mức kia, mà còn phải xét đến nhiều yếu tố khác.

Ngoài sức khỏe đồng USD hồi phục, có một yếu tố tương quan khác tác động đến đà giảm của giá vàng, đó là giá dầu thô trên thị trường thế giới. Giá vàng thường giảm cùng chiều với giá dầu.

Tuy vậy, trên thị trường thế giới, giá vàng không phải không có những yếu tố tích cực hỗ trợ. Điểm tích cực này được cho là đến từ lực mua bù cho các lệnh bán khống trước đó đã đẩy vàng thoát khỏi mốc 1.068 USD/ounce lên 1.076 USD/ounce.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong khi dầu thô lại lao dốc chạm mức thấp nhất từ năm 2004 đã kiềm chế đà tăng của kim loại quý. Giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 1.071,50 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 2/2016 giảm 3,20 USD/ounce tại 1.071 USD/ounce. Đồng thời, thanh khoản được dự kiến sẽ giảm xuống do thị trường đang bước vào tuần nghỉ lễ.

Chưa thích hợp rót vốn

Theo quy luật thị trường lâu nay, một khi đồng USD tăng giá, không chỉ có vàng mà các hàng hóa khác cũng sẽ giảm, do nhà đầu tư sẽ “buông” các công cụ đầu tư khác để trở lại với USD. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vàng sẽ giảm sâu so với cột mốc trên và tất cả nhà đầu tư sẽ buông vàng.

Ngược lại, vàng vẫn được xem là một công cụ bảo toàn vốn mà nhiều người lựa chọn. Với người dân, nhất là ở khu vực châu Á, thói quen giữ vàng sẽ khó loại bỏ nên họ sẽ tìm cơ hội mua vào khi vàng xuống giá. Nhu cầu thực không chỉ của người dân mà của các nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường vẫn có. Nhưng trước mắt, các nhà đầu tư cần tính toán kỹ khi rót vốn vào vàng, có thể đứng ngoài thị trường để xem xét, chờ đợi thêm.

Trước sức nóng của đồng USD tăng và đồng NDT giảm, giá vàng sẽ quay đầu giảm. Thực tế, vàng đã chịu tác động kể từ khi Fed đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất. Giá vàng liên tục đi xuống trong thời gian dài, nhưng việc giá vàng giảm sâu cũng khiến không ít người bất ngờ.

Mặc dù đã chịu ảnh hưởng lớn từ những động thái ban đầu của Fed, song nếu thực sự cơ quan này tăng dần lãi suất trong thời gian tới, khả năng vàng sẽ còn bị ảnh hưởng trong ngắn hạn và đà giảm chưa dừng trong trung hạn. Nhà đầu tư thận trọng khi nghĩ đến việc bỏ vốn vào vàng và cần xem xét thị trường và chờ đợt thêm một thời gian.

Mặt khác, bỏ vốn vào vàng trong bối cảnh hiện nay để kỳ vọng vàng bật lên là rất khó. Đáng chú ý là trước tình hình lạm phát toàn cầu đang dần được kiểm soát mức thấp, mãi lực vàng của giới đầu tư trên thế giới yếu dần để quay trở lại USD nên vàng còn giảm.

Để có thể hạn chế rủi ro trong bối cảnh hiện nay khi các kênh đầu tư vẫn chưa hồi phục rõ nét, người có tiền nhàn rỗi cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, mà có thể đầu tư một ít vào trái phiếu chính phủ thông qua các quỹ đầu tư, bỏ một ít vào vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hoặc có thể đầu tư một ít cổ phiếu của những công ty mới thành lập có tiềm năng, một khi trưởng thành có thể chốt lời.

Trần Thanh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục