ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 khá dè dặt, với doanh thu 22.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 29,2% so với năm 2014.
Năm 2014, HPG đã đặt kế hoạch khá cao và vượt ấn tượng. Cụ thể, kết thúc năm 2014, HPG đạt 25.852 tỷ đồng doanh thu, vượt kế hoạch 12%, tăng 33% so với năm 2013; lãi ròng 3.250 tỷ đồng, vượt kế hoạch 48% và tăng 66% so với 2013.
Theo HPG, lợi nhuận của Công ty năm 2014 rất tốt do có sự đóng góp 700 tỷ đồng lợi nhuận từ Dự án Mandarin. Dự án này năm 2015 dự kiến chỉ mang lại khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch năm 2015 được Hòa Phát đặt thận trọng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận năm 2015 của HPG không tăng được thêm nữa vì dư địa tiết giảm chi phí đã hết. Trong 2 - 3 năm qua, dù giá thép giảm nhưng quặng sắt là nguyên liệu đầu vào cũng giảm, HPG thực hiện tiết giảm chi phí nên biên lợi nhuận vẫn tăng.
Kết thúc quý I/2015, HPG chỉ đạt 1/4 kế hoạch năm đề ra, với doanh thu ước đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 600 tỷ đồng.
Một “đại gia” trên sàn HOSE là CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng đưa kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015 giảm 12% so với 2014, dự kiến ở mức 937 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu vẫn tương đương năm 2014, dự kiến 2.777 tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, trừ lĩnh vực bất động sản và thủy điện, các mảng kinh doanh khác của REE năm nay đều giảm lợi nhuận so với 2014. Cụ thể, mảng dịch vụ cơ điện công trình (M&E) giảm lợi nhuận 10%, dù REE đã có trong tay 3.000 tỷ đồng cho các hợp đồng đã ký, nhưng mức sinh lợi thấp hơn, lợi nhuận chỉ còn khoảng 160 tỷ đồng; mảng điện và nước giảm gần 14% lợi nhuận ròng; mảng điện máy thương hiệu ReeTech - vốn là thế mạnh của REE, cũng đang giảm, không còn nhiều khả quan như những năm trước do sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Một lĩnh vực mới mà REE tập trung đầu tư trong năm 2015 là các nhà máy cấp nước tại TP. HCM, chỉ có có tỷ suất lợi nhuận 5 - 10%, thấp hơn nhiều so với các mảng khác. Do vậy, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của Công ty đặt ra năm nay giảm so với năm 2014.
Là “anh cả” trong ngành ngân hàng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2015 tăng rất thấp so với 2014, chỉ tăng 0,43%, dự kiến 5.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của VCB tăng 11%, dự kiến 640.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay dự kiến tăng 16%, ở mức 375.000 tỷ đồng; nguồn tiền gửi tăng 12%, dự kiến 473.000 tỷ đồng.
Ngoại trừ chỉ tiêu lợi nhuận tăng rất thấp, các chỉ tiêu khác của VCB đều được đặt tăng trên 10%. Về nợ xấu, năm 2015, VCB không đưa ra con số cụ thể, dự kiến dưới 2,5% (nợ xấu năm 2014 là 2,3%). Phải chăng vì lo ngại nợ xấu tăng mà VCB thận trọng trong kế hoạch lợi nhuận, nhất là khi từ 1/4/2015, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ theo chuẩn mới khi Quyết định 780 hết hiệu lực?
Năm qua, nợ xấu luôn là nỗi ám ảnh với nhiều nhà băng. Nợ xấu lớn, khiến dự phòng rủi ro tăng, ăn mòn vào lợi nhuận của ngân hàng. Năm 2014, VCB đã trích lập dự phòng rủi ro thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.533 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) là công ty bất động sản lớn nhất niêm yết trên sàn sở hữu tổng quỹ đất khoảng 7.500 héc-ta với hơn 30 dự án bất động sản. Doanh thu của VIC chủ yếu đến từ 3 mảng chính: chuyển nhượng bất động sản, cho thuê bất động sản và kinh doanh khách sạn, du lịch.
VIC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2014 sau kiểm toán. Theo đó, lãi nhuận sau thuế hợp nhất của VIC giảm hơn 48% so với năm 2013, đạt 3.776 tỷ đồng; trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ toàn Tập đoàn lại tăng tới 50%, đạt 27.726 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất đã kiểm toán cũng cho thấy, năm 2014, VIC đã đầu tư thêm gần 5.700 tỷ đồng vào các dự án và lỗ 99 tỷ đồng từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản đầu tư giữa các công ty con.
VIC đã chốt danh sách tổ chức ĐHCĐ, dự kiến tổ chức từ 15 - 29/4. Công ty chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2015 dự kiến sẽ trình cổ đông. Tuy nhiên, với việc giảm mạnh lợi nhuận trong năm qua, trong khi bất động sản được dự báo chưa sớm sôi động trở lại, nhiều khả năng, VIC sẽ thận trọng trong kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Trong ngành cao su, CTCP Cao su Miền Nam (CSM) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành về xuất khẩu cao su tự nhiên. Năm 2015 sẽ không có nhiều thuận lợi cho ngành cao su khi thị trường đang dư thừa nguồn cung, cộng thêm nguồn cao su tự nhiên đang phải cạnh tranh khốc liệt với cao su nhân tạo đang giảm giá vì giá dầu thế giới có xu hướng giảm.
Theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), doanh thu dự kiến năm 2015 của CSM tăng 15,5%, ở mức 3.660 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 3,6% so với 2014, dự kiến ở mức 319 tỷ đồng. Theo phân tích của BSC, lợi nhuận của CSM sụt giảm do chi phí khấu hao và lãi vay lớn từ nhà máy Radial, trong khi sản lượng tiêu thụ dự báo chỉ đạt 100.000 lốp.
Năm 2014, doanh thu của CSM chỉ đạt 95% kế hoạch, ở mức 3.188 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch 42%, ở mức 330 tỷ đồng, nhưng giảm 8,3% so với 2013.