Từ DN ngành cao su
Vài năm trở lại đây, DN ngành cao su thiên nhiên gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với giá cao su liên tục sụt giảm. Trong năm 2014, nhiều DN ngành này không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, dù đã xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng thận trọng.
Theo đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), hiện giá tiêu thụ cao su bình quân giảm khoảng 30% so với đầu năm 2014 và giá cao su dự báo sẽ có những biến động khó lường trong năm 2015. Chính vì vậy, TRC đặt kế hoạch kinh doanh năm nay rất khiêm tốn: sản lượng khai thác cao su là 10.350 tấn, giảm gần 9%; doanh thu 418 tỷ đồng, giảm 30%; lợi nhuận trước thuế 34,7 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2014.
Trao đổi với ĐTCK, TRC cho biết, Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 với các chỉ tiêu giảm mạnh so với năm 2014 là do sản lượng khai thác cùng với chênh lệch giữa giá thành và giá bán mủ cao su dự kiến trong năm nay sụt giảm so với năm ngoái.
Hiện tại, chưa nhiều DN trong ngành cao su công bố cụ thể các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, bởi theo các DN, phải căn cứ và xem xét biến động giá mủ cao su trên thế giới, cũng như trong khu vực. Tuy nhiên, không ít DN chia sẻ, họ đang khá dè dặt trong việc đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm mới, khi dấu hiệu kinh doanh thụt lùi đã và đang diễn ra.
Tại CTCP Cao Su Hòa Bình (HRC), hoạt động thanh lý vườn cây cao su đã giúp Công ty đạt lợi nhuận 19,6 tỷ đồng trong quý IV/2014. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2014, doanh thu của HRC chỉ bằng xấp xỉ 40% so với năm 2013; lợi nhuận đạt hơn 56 tỷ đồng, thực hiện được gần 80% kế hoạch và giảm gần 10% so với năm 2013.
Ông Bành Mạnh Đức, phụ trách công bố thông tin HRC cho biết, Công ty đang cân nhắc đặt ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2015, nhưng dự kiến sẽ thấp hơn mức thực hiện năm 2014, xuất phát từ lo ngại biến động giảm giá cao su trong thời gian tới.
Đến các ngành khác
Nếu như giá cao su giảm làm cho các DN trong ngành này lao đao, thì biến động giá dầu trong thời gian qua là thách thức đối với các DN trong ngành dầu khí trong năm 2015. ĐHCĐ bất thường mới đây của CTCP Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) trở nên “nóng” hơn, xoay quanh lo ngại của cổ đông về tình hình biến động giá dầu. Theo PGS, hiện nay, cơ chế giá đầu vào, đầu ra của sản phẩm đang được Công ty áp dụng là giá cố định đối với yếu tố đầu vào theo mức giá đàm phán với Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Công ty.
PGS cho hay, trong tình hình giá dầu giảm sâu như hiện nay, Công ty dự kiến đàm phán với GAS để thả nổi giá đầu vào và đầu ra, nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty phải chấp nhận biên lợi nhuận có thể bị giảm khi giá dầu tăng trở lại.
Cũng như một số DN trong ngành, PGS chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015 vì phải tính toán lại nhiều yếu tố, nhưng con số doanh thu, lợi nhuận dự kiến sẽ thấp hơn so với kết quả đạt được trong năm 2014 (doanh thu năm 2014 của PGS dự kiến đạt trên 7.500 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 242 tỷ đồng).
Một số DN trong ngành sản xuất cũng dè dặt đề ra các chỉ tiêu cho năm mới. CTCP Bao bì Dầu thực vật (VPK) vừa lên kế hoạch doanh thu 320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng trong năm 2015. So với năm 2014, con số này giảm gần 17% về doanh thu và giảm 7,7% về lợi nhuận. Trước đó, CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) khiến nhiều cổ đông bất ngờ khi đặt kế hoạch lợi nhuận 46 tỷ đồng cho giai đoạn 1/7/2014 - 30/6/2015, thấp hơn mức 71,37 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng, từ 1/1/2014 - 30/6/2014.
Các chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2015 giảm mạnh cho thấy, nhiều DN nhìn thấy trước các yếu tố bất lợi của thị trường. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, điều này cũng đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo DN sẽ không chịu nhiều áp lực, việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu sẽ dễ dàng hơn.