Năm 2015, giá trị hợp lý của VN-Index là 633,2 điểm

(ĐTCK) Sử dụng mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức hai giai đoạn, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo, giá trị nội tại của VN - Index sẽ biến động trong vùng 561 - 718 điểm và kết thúc năm 2015 ở mức 633,23 điểm. 
TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn châu Âu và Nhật Bản TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn châu Âu và Nhật Bản

Đây chỉ dự báo về giá trị hợp lý của chỉ số VN-Index, chứ không phải dự báo về đỉnh và đáy của thị trường. 

Trong tuần qua, khối NĐT nước ngoài liên tiếp bán ròng, chủ yếu đến từ Quỹ Van Eck Market Vector ETF khi quỹ này rút ròng khoảng 1 triệu chứng chỉ quỹ. Trong phiên gần nhất (24/3), Quỹ rút ròng thêm 850.000 chứng chỉ quỹ. Nguyên nhân đến từ lo ngại Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất đồng USD trong nửa cuối năm 2015. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn của khối ngoại vào TTCK Việt Nam (Van Eck là quỹ đầu tư đến từ Mỹ).

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2015 và Chiến lược đầu tư”, VDSC cho rằng, việc FED tăng lãi suất sẽ không làm dòng vốn ngoại rút ra khỏi tất cả các thị trường cận biên và mới nổi, mà sẽ có sự phân hóa. Trên thực tế, dòng vốn đang tăng mạnh ở một số thị trường châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, nhưng lại rút ra mạnh tại các thị trường Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Tại Việt Nam, lượng vốn rót ròng đã  giảm hơn 49% so với cùng kỳ. Dòng vốn từ Mỹ trong năm 2015 không kỳ vọng khả quan như năm 2014, nhưng với dòng vốn từ châu Âu và Nhật Bản, dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ và giữ lãi suất thấp thì thị trường cận biên như Việt Nam vẫn là điểm đến.

Theo thống kê của VDSC, dòng vốn đến từ hai nước này hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam, lần lượt đạt 18% và 23%.

Ngoài yếu tố dòng vốn ngoại, vấn đề tỷ giá cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Từ đầu năm 2015, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, cộng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ khiến cho đồng USD tăng giá kỷ lục từ năm 2003, đạt mức tăng 18% từ cuối tháng 6/2014 đến nay.

Bà Trần Thị Hà My, Chuyên viên phân tích VDSC cho biết, trong ba năm qua, chính sách điều hành tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước vô tình đã khiến đồng VND “neo” theo USD, có nghĩa khi USD tăng giá thì VND cũng tăng giá theo so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn do đắt hơn, trong khi hàng nhập khẩu từ nhiều nước vào Việt Nam lại rẻ đi. Đây là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND với khoảng biến động (nếu có) là 2% của Ngân hàng Nhà nước là có thể đạt được.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam lưu ý, chính sách điều chỉnh/phá giá đồng tiền VND hoàn toàn khác với chính sách nới lỏng định lượng của nhiều đồng bạc trên thế giới. Tại các nước, với các gói nới lỏng định lượng, họ có thể chủ động giảm giá đồng nội tệ để có lợi thế và sẽ có giai đoạn tăng trở lại, nhưng nhìn vào lịch sử Việt Nam, VND sau mỗi lần điều chỉnh chưa bao giờ quay lại giá trị cũ.

Ngoài hai yếu tố trên, việc các hiệp định thương mại song phương, đa phương dự kiến được ký kết trong năm 2015 và giá dầu xuống thấp cũng có tác động nhất định đến TTCK. Theo bà Hà My, giá dầu thấp giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, kéo theo đầu ra được đảm bảo bởi nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Theo đó, những doanh nghiệp hưởng lợi từ giá dầu thấp được các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm trong năm 2015.

Nhìn chung, do sự sụt giảm mạnh của VN-Index giai đoạn cuối năm 2014 đã khiến TTCK Việt Nam trở thành thị trường có mức P/E và P/B thấp nhất so với các thị trường lân cận như Malaysia, Indonesia, Phillipines và Thái Lan. Vì vậy, mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức hai giai đoạn của VDSC cho thấy, giá trị nội tại của VN-Index sẽ biến động trong vùng 561 - 718 điểm.

Về xu hướng dòng tiền, thay vì đơn giản đổ vào doanh nghiệp tái cấu trúc như năm 2014, dòng tiền trong năm 2015 được nhận định sẽ “khó tính” hơn, chú trọng vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tính khả thi của kế hoạch tái cấu trúc mà doanh nghiệp đưa ra.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục