Năm 2014, gần 68.000 doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra thuế

(ĐTCK) Chính sách và cách thức thu thuế sẽ minh bạch hơn, giảm thiểu gây khó dễ cho người nộp thuế. Đây là tinh thần xuyên suốt trong các giải pháp mà Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế, hải quan tập trung triển khai trong năm 2015, nhằm góp phần chống hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN), vốn đang đối mặt với nhiều thách thức do giá dầu thế giới giảm sâu.
Năm 2015 sẽ thực hiện nộp thuế điện tử tại 63/63 địa phương

Tránh tạo “đất” cho nảy sinh nhũng nhiễu

Nộp thuế vào ngân sách mà bị cán bộ thuế, hải quan gây khó dễ là điều không thể chấp nhận. Tinh thần này được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính thường xuyên nhắc nhở công chức ngành thuế, hải quan trong thời gian qua và đang được cụ thể hóa trong các nhiệm vụ mà Bộ Tài chính giao cho hai ngành này trong năm 2015, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, do Bộ Tài chính tổ chức ngày hôm nay (24/12).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong năm 2014, một số cơ chế, chính sách thuế, hải quan còn phức tạp, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho người nộp thuế...

Việc thay đổi tư duy, thái độ phục vụ của công chức ngành thuế, hải quan là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm 2015, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu. Ngành tài chính đặt mục tiêu số thu nội địa (không kể dầu thô) vượt tối thiểu 8 - 10% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2015 là 731.600 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô 93.000 tỷ đồng, thu nội địa 638.600 tỷ đồng, riêng thu của ngành hải quan là 260.000 tỷ đồng.

Để minh bạch khâu tổ chức, quản lý thu thuế, trong năm 2015, Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế, hải quan tăng cường công tác khai thuế qua mạng Internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy và nhập dữ liệu thủ công. Thực hiện nộp thuế điện tử tại 63/63 địa phương trong năm 2015. Triển khai thí điểm hình thức hóa đơn điện tử có xác thực; mở rộng thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Một giải pháp quan trọng khác mà Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo ngành thuế, hải quan triển khai trong năm tới là căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính quy định về điều động, luân phiên, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức của đơn vị..., thủ trưởng cơ quan thuế, hải quan các cấp phải thường xuyên rà soát quy trình tiếp nhận, xử lý văn bản tại đơn vị để kịp thời sửa đổi, bổ sung và bố trí công chức đảm bảo phù hợp, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đồng thời tăng cường trách nhiệm của công chức, viên chức thuế, hải quan. 

Mạnh tay với gian lận thuế

Để chống thất thu ngân sách, Bộ Tài chính sẽ mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm về thuế. Theo đó, Bộ đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt tối thiểu 14,65% trên số DN đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế của DN có số hoàn thuế lớn; truy thu vào NSNN đảm bảo đạt ít nhất 80% số kết luận truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra. Hoạt động này đã được tiến hành quyết liệt trong năm 2014, khi các DN được thanh tra, kiểm tra ước đạt 67.814 DN, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách hơn 12.212 tỷ đồng, giảm khấu trừ trên 1.047 tỷ đồng, tổng số giảm lỗ là 19.733 tỷ đồng.

Đồng thời, tập trung rà soát các DN có nợ thuế lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công..., còn đẩy mạnh hoạt động tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế gắn với tăng cường kiểm tra sau thông quan.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, trong năm 2015, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan phải tăng cường đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế; thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá, đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Rà soát danh sách người nộp thuế cố tình trây ỳ, hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách. 

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục