Năm 2014, chứng khoán sẽ “nổi sóng” nhiều hơn

(ĐTCK) "Năm 2014, triển vọng TTCK tăng trưởng mạnh vẫn là 50/50, nhưng chắc chắn sóng chứng khoán sẽ nhiều hơn và đất sống cho CTCK sẽ rộng hơn", ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHB (SHBS) đã nhận định như vậy khi trao đổi với ĐTCK đầu tuần này.

Rất nhiều thành viên thị trường nhận định, TTCK năm 2014 sẽ tốt hơn năm 2013. Quan điểm của ông như thế nào?

Đầu năm, tâm lý chung của nhà đầu tư cũng như các thành viên thị trường là mong đợi và cảm nhận về một năm mới tích cực hơn năm cũ. Cả 3 năm nay, chúng ta đều chứng kiến tâm lý này bao trùm lên toàn thị trường, nhưng thực tế, đến cuối năm, diễn biến chung không hoàn toàn được như kỳ vọng. Năm 2014 cũng vậy, bản thân tôi cảm nhận và mong rằng, năm nay TTCK sẽ tích cực hơn năm cũ, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng quy luật 3 năm trước có thể sẽ xảy ra năm nay.

Nhìn cụ thể hơn có thể thấy, TTCK Việt Nam tăng trưởng năm qua có sự ủng hộ rất lớn của dòng vốn ngoại. Dòng vốn ngoại là yếu tố khách quan, không thể quản trị được, trong khi sức mạnh nội tại là nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, nên theo tôi, cơ hội tăng trưởng của TTCK năm 2014 là 50/50. TTCK sẽ chỉ tăng trưởng bền vững khi nền kinh tế vĩ mô thực sự khởi sắc.

Ngay lúc này, chúng ta có thể chưa nhìn rõ sự khởi sắc của nền kinh tế, nhưng tôi nghĩ, chúng ta hãy cứ tin đi, cứ lạc quan đi, bởi năm nay, có một yếu tố tích cực hơn các năm trước, đó là sự đồng lòng từ cấp cao nhất đến người dân, về việc phải nhìn thẳng vào khó khăn và có giải pháp mạnh để giải quyết khó khăn. Chính sự đồng lòng tạo nên kỳ vọng, năm nay sẽ tốt hơn năm cũ.

Nhiều người tin rằng, năm nay, Chính phủ và các bộ ngành sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy TTCK phát triển, từ đó làm bàn đạp thực hiện các mục tiêu lớn hơn, như cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành…, còn ông?

Tôi không phủ nhận niềm tin này và bản thân tôi cũng tin như vậy, nhưng thúc đẩy TTCK đi lên không thể bằng cách hô hào, mà phải từ bản chất, từ nội lực của từng DN, của nền kinh tế. Rất khó để tin rằng, sẽ có một nguồn lực nào đủ mạnh để thúc thị trường đi lên, bởi thị trường đã đủ lớn, đến mức chỉ có sự tự nguyện tham gia của các nhà đầu tư, các thành viên trong đó, mới có thể tạo nên sự bứt phá. Để TTCK đi lên, bài toán lớn nhất lúc này là phải giải quyết được nợ xấu ngân hàng, phải có giải pháp để phá băng thị trường bất động sản. Nếu nhìn thấy những hành động thực, hiệu quả thực, TTCK chắc chắn sẽ khởi sắc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cả nền kinh tế đang phải gồng mình nhìn thẳng vào khó khăn, xử lý khó khăn, theo tôi, cần phải đặt ra 2 phương án: có thể thành công và cũng có thể thất bại. Với nhà đầu tư, tôi cho rằng, cũng cần chuẩn bị sẵn sàng 2 kịch bản, kịch bản nào cũng phải đón nhận được, cũng phải quản trị được, mới có thể vững bước cùng thị trường.

Ông có lẽ là người rất thận trọng khi đưa ra những nhận định trên. Vậy với ngành chứng khoán, năm 2014 có khởi sắc không, theo ông?

Nói về CTCK, tôi cảm nhận, năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước, bởi chắc chắn rằng, năm nay, sóng trên TTCK sẽ nhiều hơn. Lý do, năm 2014 là năm nền kinh tế cũng như từng DN phải tái cấu trúc mạnh mẽ và để đến được bến bờ bình yên, đến được sự ổn định, chắc chắn phải trải qua nhiều đợt sóng. Với CTCK, có sóng là có đất sống. Các con sóng trên TTCK luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các dòng vốn mới. Đó chính là đất sống của khối DN này, trong đó có SHBS của chúng tôi.

Ở vai trò Tổng giám đốc SHBS - CTCK hình thành từ việc tiếp quản CTCK Habubank khi Habubank sáp nhập vào Ngân hàng SHB, ông đã làm được gì cho Công ty năm qua và năm nay, ông định vị SHBS ra sao?

Tiếp quản CTCK Habubank và xây dựng CTCK mới mang thương hiệu CTCK SHB (SHB nắm gần 99% vốn), 2 việc chính chúng tôi thực hiện năm qua là xác lập văn hóa kinh doanh mới cho SHBS trên nền tảng văn hóa SHB và xác lập định hướng chiến lược mới cho SHBS để vững bước trên thương trường. Hoàn tất 2 việc này, SHBS khai trương trụ sở mới, khẳng định thương hiệu SHBS là CTCK của Ngân hàng SHB để bắt đầu từ năm nay, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của DN.

Nếu CTCK Habubank cũ lấy hoạt động tư vấn làm trọng tâm thì CTCK SHBS chọn môi giới làm cốt lõi để tạo dựng uy tín, thương hiệu. Năm 2014, mục tiêu của SHBS là có tên trong TOP 20 về thị phần, làm nền tảng tiến vào TOP 10 CTCK có thị phần lớn nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tự doanh, vì theo tôi, hoạt động đầu tư đang có rất nhiều cơ hội. Điều đáng mừng là HĐQT SHB đã đồng thuận việc tăng vốn cho SHBS lên 300 tỷ đồng, hiện chúng tôi đang chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Khi được tiếp thêm vốn từ Ngân hàng mẹ và nhận sự hỗ trợ cụ thể khác, tôi tin rằng, SHBS năm nay sẽ đạt được cả 2 mục tiêu: mục tiêu thị phần và mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng mà HĐQT SHB đặt ra.

Như ông từng chia sẻ, ông thích sự thay đổi, thay đổi để làm mới mình. Trở về SHB lần này, ông nghĩ thế nào về sự thay đổi?

Có nhiều người đánh giá, thay đổi là xấu, là khó tạo được lòng tin với người sử dụng mình, nhưng tôi đứng chữ Tân, dường như số phận buộc tôi phải thay đổi. Điều may mắn là sau mỗi lần thay đổi, tôi có sự trải nghiệm nhiều hơn và có môi trường làm việc tốt hơn. Thời gian qua, tôi dường như đã đi một vòng tròn để rồi trở về với SHB, để gắn bó và đọng lại. Tôi thích sự thay đổi, nhưng sự thay đổi nào cũng phải có giới hạn mới có thể tìm được điểm dừng chân phù hợp nhất với mình.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục