Năm 2008, vốn hóa thị trường “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Một năm sụt giảm kỷ lục, mục tiêu cổ phần hóa thất bại, ảnh hưởng sâu sắc từ thị trường thế giới…
Trong hơn 8 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ mối quan hệ và ảnh hưởng từ thị trường thế giới lại thể hiện sâu sắc như trong năm 2008. Trong hơn 8 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ mối quan hệ và ảnh hưởng từ thị trường thế giới lại thể hiện sâu sắc như trong năm 2008.

Đó là một số điểm nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008, theo đánh giá của VnEconomy.

1. Các chỉ số giảm mạnh chưa từng thấy

Kết thúc năm 2008, chỉ số VN-Index và HASTC-Index cùng giảm gần 70% so với đầu năm, một mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử hơn 8 năm hoạt động, thuộc nhóm chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới. Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường “bốc hơi” trong năm suy giảm nghiêm trọng này.

Cuối năm 2007, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt tới 40% GDP. Trong đề án phát triển thị trường vốn của Bộ Tài chính trình Chính phủ trong năm 2007, mốc 50% GDP vào năm 2010 đã được đặt ra, nhưng sự sụt giảm quá mạnh trong năm 2008 là một chuyển động ngược không ngờ tới; hiện chỉ đạt khoảng 19% GDP, thấp hơn cả mức cuối năm 2006 (22,6% GDP).

Giá trị vốn hóa thị trường của những cổ phiếu hàng đầu cũng sụt giảm mạnh. So với cuối năm 2007, đầu tàu VNM giảm từ 29.400 tỷ đồng còn hơn 14.500 tỷ đồng, STB từ 28.700 tỷ đồng còn hơn 9.400 tỷ đồng, DPM từ 27.500 tỷ đồng còn hơn 13.000 tỷ đồng… Trên sàn niêm yết chỉ còn lại 5 cổ phiếu có vốn hóa thị trường đạt trên 10.000 tỷ đồng (năm 2007 là 12 cổ phiếu), gồm VNM, DPM, ACB, HAG và PVD; trong đó HAG vừa niêm yết cuối năm 2008.

2. Mục tiêu cổ phần hóa và nhiều cuộc đấu giá thất bại

Mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lại thêm một năm thất bại. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm 2008 chỉ cổ phần hóa được 73/262 doanh nghiệp, chỉ đạt 28% kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trước đó. Trong cả năm 2007, tỷ lệ hoàn thành cũng chỉ là 21% kế hoạch.

Nếu trong năm 2007, thị trường chứng khoán khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch cổ phần hóa, IPO, phát hành gọi vốn, thì năm 2008 những hoạt động này bước vào cảnh chợ chiều. Đây là năm chứng kiến nhiều cuộc đấu giá cổ phần chỉ có chưa đầy chục nhà đầu tư tham gia, một loạt kế hoạch liên quan phải hủy bỏ, hoặc không thể hoàn thành mục tiêu khi có những trường hợp… chỉ có 1 phiếu tham gia hoặc chỉ bán được chưa đầy 1% lượng chào bán.

Một loạt kế hoạch cổ phần hóa các tổng công ty lớn đã không thể thực hiện, theo như lộ trình đặt ra tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ (tham khảo phụ lục).

Cuối năm 2008, thị trường chứng kiến đợt IPO của Vietinbank với sự mờ nhạt trong cạnh tranh giá và chênh lệch của lượng đăng ký mua và chào bán. Cuộc đấu giá này cho thấy vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào đối với cách thức IPO các tổng công ty lớn, và đây cũng là một trong những tồn tại cần sớm đượckhắc phục trong thời gian tới.

Song song với việc thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, các kế hoạch niêm yết của các tập đoàn kinh tế được cổ phần hóa vẫn chưa được thực hiện, gây thất vọng đối với nhiều cổ đông. Điển hình là các trường hợp Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank. Riêng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của Vietcombank vẫn chưa có lời kết.

3. Ảnh hưởng sâu sắc từ thị trường thế giới

Trong hơn 8 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ mối quan hệ và ảnh hưởng từ thị trường thế giới lại thể hiện sâu sắc như trong năm 2008.

Mối quan hệ trên được đặt trong một bối cảnh đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ, kế tiếp là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, thể hiện rõ ở tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng như phản ứng không mong đợi từ khối đầu tư nước ngoài.

Một ảnh hưởng cụ thể là năm 2008 đã chứng kiến hoạt động bán ròng chưa từng có của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm này, thị trường chứng kiến đợt rút vốn mạnh của khối ngoại trong các tháng 4, 5 và 6, cao điểm rút ra khoảng 300 triệu USD/tháng, nguyên do chủ yếu từ biến động kinh tế trong nước; và đợt bán ròng hiếm thấy trong tháng 10, do tác động của khủng hoảng thế giới.

Ở một ảnh hưởng khác, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với xuất khẩu và đầu tư gián tiếp. Điều này cũng đã thể hiện ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008, khi thị trường này thường phản ánh trước những khó khăn của nền kinh tế.

4. Luật Thuế thu nhập cá nhân và làn sóng dư luận

Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 nhưng ảnh hưởng của nó đối với thị trường chứng khoán đã đậm nét trong năm 2008, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Đây là lần đầu tiên thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán được đưa vào diện chịu thuế.

Về chính sách, đây là một trong những bộ luật thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nhất từ trước tới nay (trước đó là Luật thuế Giá trị gia tăng). Hàng nghìn ý kiến bình luận, góp ý, đồng thuận, phản đối liên tục được phản ánh trong nửa cuối năm 2008. Trong đó, nổi bật là sự lo ngại và phản ứng từ nhiều nhà đầu tư chứng khoán, khi họ đặt chính sách này trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và của thị trường chứng khoán nói riêng.

Cuối năm, những đề xuất về việc giãn thời gian thực hiện luật thuế này trở thành một điểm nóng thu hút sự chú ý và hy vọng của giới đầu tư, nhưng việc thực hiện vẫn theo lộ trình Quốc hội đã định.

5. Đầu tư, chi phí tài chính “gọt” lợi nhuận

Năm 2008 là năm lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết bị ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động đầu tư tài chính và chi phí tài chính tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng cường trích lập rủi ro do giá trị danh mục đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản sụt giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là mục tiêu lợi nhuận, phải điều chỉnh, bên cạnh ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế. Đây cũng là một bài học quý giá đối với các doanh nghiệp đầu tư tài chính theo phong trào và xa rời hoạt động giá trị cốt lõi của mình.

Năm 2008 cũng là một năm bất thường về lạm phát, lãi suất và tỷ giá, đẩy chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết tăng cao. So với cùng kỳ quý 2/2007, có tới 163/209 (78%) doanh nghiệp niêm yết có chi phí tài chính tăng; trong đó có 120/209 doanh nghiệp chi phí tài chính tăng tới trên 50%, 34/108 (31,5%) trong số các doanh nghiệp sử dụng vốn vay chịu chi phí lãi vay tăng trên 100%.

Riêng về ảnh hưởng của biến động tỷ giá, sự kiện Nhiệt điện Phả Lại (PPC, HOSE) phải tạm hoãn trả cổ tức do chi phí khoản vay ngoại tệ tăng cao là một điển hình.

6. Siết biên độ và SCIC vào cuộc

Trước sự sụt giảm nhanh và mạnh của thị trường, ngày 27/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định giảm biên độ giao động giá chứng khoán tại HOSE từ +/-5% xuống +/-1%, tại HASTC từ +/-10% xuống +/-2%. Sau đó biên độ lần lượt nới dần lên +/-2% và +/-3% từ ngày 7/4; lên +/-3% và +/-4% từ ngày 19/6 và lên +/-5% và +/-7% từ ngày 18/8.

Đây là tần suất điều chỉnh biên độ chưa từng có trong lịch sử, phía sau đó là tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả của biện pháp can thiệp với những bình luận trái chiều.

Cũng trong tháng 3, tâm điểm chú ý của thị trường là sự kiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lên kế hoạch mua vào hỗ trợ, một trường hợp chưa từng có tiền lệ. Sự vào cuộc của “siêu tổng công ty” này cũng gắn liền với gánh nặng giải chấp chứng khoán cầm cố từ các ngân hàng thương mại tại thời điểm đó. 

7. Thị trường trái phiếu biến động trái chiều

Năm 2008, thị trường trái phiếu được tập trung về đầu mối HASTC, hình thành và khởi động thị trường trái phiếu chuyên biệt.

Về diễn biến của thị trường này, năm 2008 chứng kiến nhiều biến động trái chiều. Trong quý 1 là hướng sôi động với sự tham gia mua vào mạnh của khối đầu tư nước ngoài trên thị trường thứ cấp; lượng phát hành thành công ước đạt 78% tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp.

Tuy nhiên, trong các tháng 5 và 6, khối ngoại đẩy mạnh bán ra để tránh lạm phát tiền đồng và sự mất giá của VND. Thời điểm đó không có nhà đầu tư nào trúng thầu trái phiếu trong những đợt đấu thầu tại HASTC, thậm chí có những đợt gọi thầu không có nhà đầu tư tham gia. Các trái phiếu chính phủ với lãi suất coupon 8% - 8,5% được nhà đầu tư bán ra với lợi suất cao (có một số giao dịch lên đến 20% - 23%). Trên thị trường sơ cấp khối lượng phát hành thành công chỉ đạt khoảng 30%.

Từ tháng 9, giao dịch trái phiếu có dấu hiệu ổn định trở lại, gắn với chính sách cắt giảm lãi suất cơ bản liên tục của Ngân hàng Nhà nước, nhưng xu hướng bán ròng trái phiếu của khối đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn nhằm thực hiện hóa lợi nhuận và rút một phần vốn về chính quốc.

8. Dùng giằng chuyện tách bạch tiền gửi nhà đầu tư

Theo quy định, thời hạn để hoàn tất việc thực hiện quản lý tách biệt tiền gửi nhà đầu tư tại ngân hàng chậm nhất là trước ngày 1/10/2008, nhằm tạo sự minh bạch trong quản lý, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đây là một chính sách đúng đắn nhưng đáng tiếc lại không được thực hiện một cách triệt để và nhất quán khi nhiều công ty chứng khoán không đảm bảo yêu cầu.

Nguyên do từ phía công ty chứng khoán là do còn những khó khăn trong kết nối công nghệ, hành lang pháp lý cho những phát sinh liên quan trong giao dịch chưa hoàn thiện… Trong khi một nguyên nhân ngược chiều được đề cập đến là nguồn lợi từ quản lý tiền gửi của nhà đầu tư.

Trong năm 2008 đã có không dưới chục cuộc họp bàn, hội thảo giữa nhà quản lý, các bên liên quan về vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

9. Nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý

Trong năm 2008, Thanh tra Chứng khoán đã ban hành 136 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2008 là trên 4 tỷ đồng.

Đây cũng là năm đầu tiên có trường hợp doanh nghiệp cổ phần bị phạt do không thực hiện nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, cũng như phát hiện cá nhân có hành vi lũng đoạn thị trường với số tiền phạt lên tới 100 triệu đồng.

Đặc biệt, ngày 11/7, cổ phiếu BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết phải tạm dừng giao dịch do thua lỗ trong hai năm liên tiếp và đứng trên bờ vực phá sản. Đây là sự kiện báo động về tính minh bạch trong công bố thông tin và chất lượng kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, khi đến năm 2008 thua lỗ của BBT mới lộ rõ.

10. Nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản

Đi cùng với sự suy giảm của thị trường, năm 2008, hoạt động của các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư rơi vào khó khăn và nhiều trường hợp lỗ lớn. Hàng loạt công ty chứng khoán mới thành lập đã phải thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc tìm kiếm đối tác nước ngoài nhằm duy trì khả năng tồn tại qua cuộc khủng hoảng tài chính và môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tính đến cuối năm 2008, đã có gần 100 công ty chứng khoán được cấp phép, trong khi số tài khoản chứng khoán chưa tới 400 nghìn.

Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rothchild (Anh), nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam đã lỗ lớn trong năm nay; giá trị tài sản ròng (NAV) nhiều quỹ giảm từ 60% - 70%.

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán APEC mới đây nhận định, với bối cảnh thị trường hiện nay, chỉ những công ty chứng khoán trong Top 20 về quy mô, hiệu quả hoạt động mới có thể tồn tại. Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán cũng nhận định khoảng 80% số công ty chứng khoán đang phải hoạt động cầm cự.

Ngày 2/12, lần đầu tiên thị trường chứng kiến trường hợp một công ty chứng khoán (Công ty Chứng khoán ASEAN) phải họp bàn để xem xét việc giải thể.

Theo VNE

Tin cùng chuyên mục