Mỹ và đồng minh siết chặt các biện pháp trừng phạt với Nga

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nêu rõ với quy mô nhóm tham gia gồm 30 nước, chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, gói trừng phạt mới sẽ tiếp tục cô lập Moskva.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo. (Ảnh: Reuters). Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo. (Ảnh: Reuters).

Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết trong tuần này, Washington và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga nhằm gây sức ép buộc Moskva kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ ở Washington, Thứ trưởng Adeyemo nêu rõ một nhóm gồm 30 nước sẽ tìm cách cản trở Nga mua những hàng hóa lưỡng dụng (có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) như các loại máy lạnh để hạn chế nguồn cung chip bán dẫn cần thiết cho Moskva.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm tới việc siết chặt hạn chế vận chuyển dầu mỏ và các hàng hóa bị giới hạn khác thông qua các nước có biên giới (với Nga).

Thứ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ với quy mô nhóm tham gia gồm 30 nước, chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, gói trừng phạt mới sẽ tiếp tục cô lập Moskva.

Ông cho biết nhóm này sẽ cảnh báo các công ty và thể chế tài chính tại mỗi nước về hậu quả của việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, lưu ý Mỹ và đối tác đã chuẩn bị nhiều công cụ kinh tế để hành động khi cần thiết, không loại trừ khả năng cấm các công ty và ngân hàng tham gia các thị trường và hệ thống tài chính ở những nước này.

Trong diễn biến liên quan, hãng tin Reuters (Anh) dẫn một tài liệu nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) cho biết 12 nước thành viên, trong đó có Pháp, Đức và Italy, kêu gọi EU ngăn chặn các công ty và nước thứ 3 "lách" các biện pháp trừng phạt Nga bằng cách sử dụng quan hệ thương mại với EU hay quyền tiếp cận thị trường chung làm điều kiện đánh đổi.

Đây là tài liệu chuẩn bị cho các cuộc thảo luận sắp tới giữa đại diện của chính phủ 27 nước thành viên EU về gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Moskva, với mục tiêu cô lập nước này về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, trong Thông điệp liên bang 2023 đọc trước Quốc hội Nga ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này vẫn đứng vững và mạnh hơn dự tính của phương Tây.

Ông tuyên bố Nga có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục