Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến về vai trò lãnh đạo giữa đại dịch

(ĐTCK) Tuyên chiến với "kẻ thù" Covid-19, Mỹ vẫn không quên tham gia vào trận chiến quy mô lớn trên một mặt trận khác với một kẻ thù đáng chú ý và lâu dài hơn - Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, cuộc chiến thông tin thực sự đã diễn ra giữa hai cường quốc và chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như không có ý định rút lui.
Ảnh: Asia Times. Ảnh: Asia Times.

Thay đổi trật tự thế giới?

"Bắc Kinh đang nhanh chóng thích nghi với các điều kiện thay đổi, tận dụng những sai lầm của Mỹ và trở thành người đi đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch bệnh", cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đê Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell và Rush Doshi, chuyên gia hàng đầu tại Viện Brookings nhận định. 

Hai chuyên gia này cho rằng, chính quyền Trung Quốc đang "tự ca ngợi hệ thống y tế của chính mình, cung cấp hỗ trợ thiết bị cho nước ngoài và thậm chí giúp chính phủ các nước khác điều hành công việc".

Trong khi Mỹ, không hỏi ý kiến các đồng minh châu Âu, đã đóng cửa biên giới với họ, còn Ý thì không thể chờ đợi sự giúp đỡ từ các nước láng giềng gần nhất ở EU mà phải nhận sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã gửi đến châu Âu 1.000 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 200.000 và 50.000 bộ xét nghiệm virus. 

Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, hứa sẽ vận chuyển đến tất cả 54 quốc gia châu Phi mỗi quốc gia 100.000 khẩu trang y tế và 20.000 bộ xét nghiệm. Jack Ma cũng tuyên bố sẽ dành sự hỗ trợ tương tự cho Mỹ. 

Tất cả điều này được thực hiện không chỉ vì để duy trì "sự ổn định hệ thống", mà còn là một phần trong sự cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ leo thang do sự bùng phát của đại dịch virus corona và suy thoái kinh tế toàn cầu, Campbell và Doshi cho biết. Bài viết của họ, được công bố trên tạp chí Foreign Foreign số mới nhất, có tên: "Virus corona có thể thay đổi trật tự thế giới".

Tất nhiên, cuối cùng, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc các quốc vượt qua đại dịch thành công hay không. Việc bình thường hóa hoàn toàn cuộc sống ở Trung Quốc vẫn còn rất xa, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh phong tỏa tỉnh Hồ Bắc sau 2 tháng. 

Và điều này đã xảy ra một cách tình cờ vào đêm trước một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo G20, dự kiến diễn ra vào ngày 26/3 qua video trực tuyến. Bắc Kinh rõ ràng muốn những thành công đầu tiên của mình trong cuộc chiến chống Covid-19 được cả thế giới biết đến.

"Virus Trung Quốc"

 Theo CNN, tuần này, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đã gửi một báo cáo vềT rung Quốc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc. Mục đích chính của tài liệu này là để vạch trần những nỗ lực của Bắc Kinh đối với những người nắm giữ thông tin sự thật về Covid-19. 

Washington tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc ngay từ đầu đã che giấu mức độ lây nhiễm, không thông báo cho WHO, không cho các chuyên gia nước ngoài vào Vũ Hán, điều này ngăn cản các nước khác thực hiện các biện pháp bảo vệ kịp thời.

“Sẽ tốt hơn nếu họ nói với chúng tôi sớm hơn những gì đang diễn ra ở đó. Và chúng tôi không biết gì về nó cho đến khi thông tin bắt đầu bị rò rỉ”, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng ngày 21/3. 

Một bức ảnh được chụp bởi phóng viên Jabin Botsford của tờ The Washington Post ngày hôm đó cho thấy văn bản chuẩn bị bài phát biểu của Tổng thống Mỹ đã được chính tay ông chỉnh sửa: từ “corona” bị gạch xóa bằng bút và được sửa thành “Chinese”. Các phóng viên làm việc thường xuyên tại Nhà Trắng không chỉ khẳng định chữ viết tay là của ông Trump mà còn biết ông sử dụng loại bút nào.

Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến về vai trò lãnh đạo giữa đại dịch ảnh 1

Từ “corona” bị gạch xóa bằng bút và được sửa thành “Chinese” trong bài phát biểu ngày 21/1 của ông Trump. Ảnh: Jabin Botsford.

Bắc Kinh chỉ trích việc nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” là "xúc phạm và phân biệt chủng tộc". Tuy nhiên, cụm từ vẫn được ông Trump sử dụng. Trong khi đó, nhóm quan chức phụ trách đối ngoại của Tổng thống Mỹ cũng có những hành động tương tự.

Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi Covid-19 là virus Vũ Hán, còn Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien và phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger liên tục nói về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm "che giấu dịch bệnh ở Hồ Bắc". 

Cuộc chiến chưa có hồi kết             

Khẩu chiến về tên gọi virus giữa Bắc Kinh và Washington chồng chéo với việc Trung Quốc trục xuất các phóng viên của ba tờ báo hàng đầu của Mỹ: New York Times, Wall Street Journal và The Washington Post. 

Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố, hành động này đòn đáp trả việc Washington trục xuất lượng lớn nhà báo trực thuộc 5 cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc tại Mỹ. Về phần mình, NSC cho biết, từ nay cả thế giới sẽ biết chỉ biết một ít "sự thật về Trung Quốc".

Theo giới quan sát, Washington có những lý do khác cho sự không hài lòng. Giới lãnh đạo Trung Quốc không đề cập đến việc họ đã nhận được 18 tấn trang thiết bị y tế từ Mỹ hồi đầu tháng 2. Lượng lớn trang thiết bị này được chuyển đến Trung Quốc bằng chính những chiếc máy bay di tản công dân Mỹ. 

Và chính quyền ông Trump đã hoàn toàn phẫn nộ trước tuyên bố của Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, quân đội Mỹ có thể đã mang virus đến Vũ Hán nhân dịp Thế vận hội quân sự được tổ chức vào tháng 10/2019. 

Về vấn đề này, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải đã được gọi đến Bộ Ngoại giao Mỹ và nhưng cuộc cãi vã giữa hai nước dần bắt đầu.

"Rõ ràng là một cuộc chiến thông tin và kinh tế nóng bỏng đang diễn ra giữa hai nước", cựu Cố vấn Tổng thống Mỹ Steven Bannon, người từng được là cánh tay phải của ông Trump tại Nhà Trắng, nói.

Theo Bannon, hành động của chính phủ Trung Quốc "gây nguy hiểm cho cả người dân Trung Quốc và toàn thế giới". Người ta có thể đã bỏ qua tuyên bố này, nhưng lời của Bannon có thể thay mặt cho nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Trump, những người từ lâu đã ủng hộ cho cuộc đối đầu lớn hơn với Bắc Kinh, tờ New York Times lưu ý.

Tuy nhiên không phải quan chức nào của chính quyền Washington cũng ủng hộ cuộc cãi vã này. Theo New York Times, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đang cố gắng ngăn chặn leo thang căng thẳng mối quan hệ với Trung Quốc và nhận ra, hai nước sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề hơn cùng nhau, bao gồm cả việc tìm cách thực hiện thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ USD đã ký kết.

Tờ Politico cảnh báo, các chuyên gia lo ngại rằng sự bùng nổ của cuộc chiến thông tin sẽ ngăn Washington và Bắc Kinh nỗ lực phối hợp đối phó với đại dịch.

"Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở mức tệ nhất kể từ khi các sự kiện ở Thiên An Môn năm 1989, và điều này xảy ra vào thời điểm không thuận lợi nhất khi hai nước cần hợp lực để hạn chế thiệt hại mà đại dịch đang gây ra cho hệ thống y tế xã hội, hoạt động kinh tế và thị trường tài chính”, Esvar Prasad, giáo sư kinh tế học tại Đại học Cornell cho biết. 

Ryan Hass, chuyên gia tại Viện Brookings chuyên giám sát các vấn đề của Trung Quốc với NSC dười thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng, trong thời kỳ khủng hoảng trước đây, Mỹ và Trung Quốc đã có thể vượt qua sự khác biệt, tuy nhiên, với sự khó lường của chính quyền Mỹ hiện tại, không có gì có thể đảm bảo chắc chắn nhưng hy vọng vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục