Mỹ - Trung lại đối đầu về kinh tế

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn có những thời điểm căng thẳng. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại, và Mỹ trải qua chiến dịch tranh cử Tổng thống khốc liệt, quan hệ đó lại càng xuống dốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn có nhiều bất đồng về chính sách kinh tế. Ảnh: LinkedIn
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn có nhiều bất đồng về chính sách kinh tế. Ảnh: LinkedIn

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh trong 2 ngày và nói chuyện với các quan chức hàng đầu Trung Quốc. Theo CNN, 2 nước hiện có 3 điểm căng thẳng rất khó giải quyết.

1. Quá nhiều thép

Trung Quốc sản xuất một nửa số thép trên thế giới. Tuy nhiên, khi nền kinh tế khổng lồ này chậm lại, nhu cầu thép trong nước cũng giảm sút. Bắc Kinh đang bị kết tội bán phá giá thép thừa ra nước ngoài, khiến nhiều đối thủ phải đóng cửa nhà máy và sa thải hàng nghìn công nhân.

Tháng trước, Mỹ đã tăng mạnh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc. Việc này khiến Bắc Kinh rất giận dữ. Họ cho rằng dư cung là vấn đề toàn cầu, do nhu cầu yếu. Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề này và đã cắt giảm 500.000 nhân lực ngành thép trong nước.

Tuy nhiên, thép vẫn là một chủ đề nóng. Theo người phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ - Nathan Sheets, đoàn Mỹ sẽ gây áp lực lên vấn đề này trong các cuộc nói chuyện với Bắc Kinh.

2. Tiền tệ

Đồng NDT của Trung Quốc đã chịu sức ép lớn suốt một năm qua, do dòng tiền khổng lồ rời khỏi nước này. Đợt hạ giá mạnh tay đồng NDT tháng 8 năm ngoái đã khiến thị trường toàn cầu lao đao.

Gần đây, Bắc Kinh lại liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày giữa NDT và USD xuống thấp nhất 5 năm. Điều này đã khiến giới quan sát nghi ngờ họ cố tình thao túng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Đây cũng là chủ đề ưa thích của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ - Donald Trump.

Trung Quốc đã cam kết để NDT tự do biến động. Tuy nhiên, chuỗi sự việc trên đang khiến tuyên bố này bị nghi ngờ. Hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ đã đặt Trung Quốc vào danh sách quốc gia có chính sách ngoại hối cần theo dõi sát.

Ngược lại, Bắc Kinh cũng không hài lòng với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). "Fed có quyền quyết định lập trường chính sách tiền tệ của mình. Nhưng chúng tôi sẽ chào đón hơn nếu họ cởi mở vấn đề truyền thông với Trung Quốc và các thị trường tài chính quốc tế", Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc - Zhu Guangyao cho biết giữa tuần trước.

3. Phân biệt đối xử

Rất nhiều công ty Mỹ phàn nàn họ cảm thấy khó hoạt động tại Trung Quốc. Trong khảo sát mới nhất của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 77% công ty cho thấy họ ít được chào đón tại Trung Quốc hơn trước đây.

"Các thành viên của chúng tôi đều lo ngại về các động thái họ cho là chống lại mình. Điều luật không rõ ràng và giải thích không đồng nhất là những thách thức lớn nhất năm nay. Đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra", James Zimmerman - Chủ tịch cơ quan này cho biết.

Các vấn đề gần đây giữa 2 nước còn có việc Trung Quốc hạn chế nội dung trực tuyến của nước ngoài, như sách điện tử và phim của Apple, hay nền tảng trực tuyến của Disney.

Các công ty Trung Quốc cũng đang gặp khó khi tấn công thị trường Mỹ. Đại gia công nghệ - Huawei đang gặp thách thức khi gây dựng đế chế thiết bị viễn thông tại Mỹ, do vấn đề an ninh.

Vnexpress
CNN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục