Đồng tenge của Kazakhstan, hôm qua (20/8) đã giảm giá kỷ lục gần 23% khi quốc gia này từ bỏ việc kiểm soát tỷ giá, sau khi cố gắng bất thành trong việc duy trì đồng nội tệ trước những biến động của thị trường. Việc đồng USD mạnh lên khiến chi phí neo giữ đồng nội tệ trở nên quá đắt đỏ đối với các quốc gia đang phát triển.
Ngày 11/8, Trung Quốc đã “bóp cò” cho làn sóng phá giá tiền tệ, khi 3 lần liên tiếp hạ giá nhân dân tệ xuống mức kỷ lục trong vòng 2 thập kỷ qua, khiến các quốc gia cạnh tranh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp bất lợi trong lĩnh vực xuất khẩu. Chưa kể tới, các thị trường mới nổi vốn đang phải vật lộng chống chọi với khả năng Mỹ tăng lãi suất và giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 6 năm qua.
Một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ còn đối diện với một vấn đề khác: đồng ruble Nga suy yếu khiến hàng hóa của các quốc gia này gặp bất lợi khi giao dịch với Nga.
Dưới đây là một số tiền tệ đang rơi vào “vùng nguy hiểm” giữa những biến động mạnh trên thị trường tài chính hiện tại.
Đồng riyal của Ả Rập Xê út: Theo Deutsche Bank AG, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, với quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 672 tỷ USD này đủ sức để giữ vững tỷ giá. Tuy nhiên, giới đầu tư đang lo ngại đồng riyal của Ả Rập Xê út có thể “sụp đổ” khi giá dầu đang gần tiến tới đáy thấp nhất 7 năm qua.
Đồng manat của Turkmenistan: quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Nga, đã hạ giá đồng manat xuống 19% trong tháng 1/2015. SEB AB tại Stockholms dự báo, trong 6 tháng tới, đồng manats sẽ còn mất giả thêm 20%.
Đồng somoni của Tajikistan: Tajikistan là quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Kazakhstan, giao thương với Kazakhstan chiếm 11% các giao dịch thương mại của quốc gia này. SEB dự báo, đồng somoni sẽ giảm giá khoảng 10- 20% trong thời gian tới.
Đồng dram của Armenia: đồng tiền này đã giảm giá 15% trong vòng 12 tháng qua, so với mức 46% của đồng ruble. Lý do là bởi, một phần tư các giao dịch thương mại của quốc gia này là thực hiện với Nga.
Đồng som của Kyryzstan: việc đồng tenge yếu đi sẽ tạo áp lực lên đồng som bởi nền kinh tế của quốc gia này gắn chặt với Kazakhstan, theo BMI Research.
Đồng bảng Ai Cập: quốc gia này hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường ngoại hội, kể từ biến động Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Các nhà đầu tư dự báo đồng bảng Ai Cập sẽ giảm giá khoảng 22% trong năm nay, theo hợp đồng kỳ hạn tiền không giao dịch 12 tháng.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ: đây là một trong những đồng tiền tụt dốc thảm hại nhất kể từ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ ngày 11/8. Dấu hiệu leo thang bạo lực trong hoạt động chính trị cùng khả năng phải tổ chức bầu cử sớm càng làm tình hình tại quốc gia này thêm tồi tệ.
Đồng naira của Nigeria: chính phủ của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này đang cố gắng giữ tỷ giá ở mức cố định, tuy nhiên, mức này được đánh giá là quá cao so với thực tế. Các nhà giao dịch kỳ hạn dự báo, đồng tiền này có thể giảm hơn 20% so với đồng USD trong năm tới.
Đồng cedi của Ghana: cũng là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, tuy nhiên, mối lo hiện tại của Ghana không phải là giá dầu mà là mất cân bằng tài chính, lạm phát gia tăng và nợ công tăng.
Đồng kwacha của Zambia: quốc gia này phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc khi 70% lượng hàng xuất khẩu từ Zambia là xuất sang Trung Quốc.
Ringgit của Malaysia: đồng ringgit đã giảm xuống mức thấp nhất 17 năm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, trong khi quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia rơi xuống mức dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2010.