Mỹ đã thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế Iran.
Sau tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015, động thái khôi phục các biện pháp cấm vận chống Iran được giới chuyên gia cảnh báo sẽ là một trong những bước đi sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ, có thể dẫn tới tình trạng đối đầu nghiêm trọng trong khu vực.
Đợt tái cấm vận đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/8 và liệu Mỹ đã tính toán đầy đủ thiệt hơn khi nhận thức rõ được rằng, các biện pháp mạnh tay của Washington chắc chắn sẽ kéo theo những hành động đáp trả mạnh mẽ từ phía Tehran.
Một trong những phản ứng đầu tiên trước việc Mỹ gây áp lực kinh tế tối đa, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc Mỹ đang theo đuổi "chính sách thất thường" trong quan hệ với Iran, đồng thời cảnh báo nước này sẽ bác bỏ bất cứ cuộc đàm phán nào với Mỹ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran đồng thời nhấn mạnh, bằng cách tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Mỹ đang thông qua một cách tiếp cận thù địch đối với Tehran.
Rõ ràng, trong tình thế căng thẳng hiện nay, giới chuyên gia nhận định khả năng Iran quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân giai đoạn này là “gần như bằng không”.
Nhất là khi Iran đã có 2 năm đàm phán với Mỹ và thỏa thuận hạt nhân Iran là đỉnh điểm của các cuộc đàm phán, nhưng chính quyền của Tổng thống Trump đã tự đánh mất đi cơ hội thúc đẩy các cuộc đàm phán này bằng quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Iran cũng sẽ khiến cho các ngân hàng và nhiều công ty khác trên thế giới hạn chế thỏa thuận với quốc gia Hồi giáo này.
Các công ty giao dịch với Iran cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp hạn chế của Mỹ. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump khôi phục các đòn trừng phạt đối với Iran càng gây thêm áp lực kinh tế lên quốc gia này trong bối cảnh đồng nội tệ rớt giá, lạm phát leo thang và nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước.
Chưa kể, những khó khăn kinh tế chồng chất được dự báo có thể kéo theo những hệ lụy khác, không ngoại trừ nguy cơ đe dọa tới sự ổn định chính trị của Iran. Vì vậy sẽ không có gì khó hiểu khi Iran cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng khi bị Mỹ làm khó.
Liệu chưa rõ, tham vọng của Tổng thống Donald Trump rằng sẽ làm tốt hơn người tiền nhiệm của mình trong xử lý vấn đề hạt nhân Iran có mang lại kết quả thực sự như nhà lãnh đạo này mong muốn.
Song rõ ràng, bước đi mới của Mỹ đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt sự phản đối từ giới chuyên gia kinh tế cùng lãnh đạo một số nước như Nga, Đức... khi cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump tái áp đặt trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông và thúc đẩy các thế lực cực đoan trong khu vực này.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi cũng vừa thể hiện thái độ không đồng tình trước bước đi được cho là nóng vội này của Mỹ: “Chúng tôi coi các biện pháp trừng phạt Iran là một sai lầm chiến lược và không đúng đắn, mặc dù không ủng hộ nhưng chúng tôi cũng miễn cưỡng phải tuân theo để bảo vệ lợi ích của người dân.”
Trong trường hợp căng thẳng Mỹ- Iran bị đẩy lên đỉnh điểm, rất dễ dẫn tới cuộc đối đầu nghiêm trọng trong khu vực, thì khó có thể tiên liệu những hậu quả gì có thể xảy ra.
Nhưng cái dễ nhìn thấy nhất là nền kinh tế Iran trước mắt sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp mạnh tay của Mỹ. Đời sống của người dân Iran cũng chắc chắn sẽ càng thêm chật vật một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu phát huy hiệu lực.