Lục lại hồ sơ
Trong cáo trạng tồn đọng chưa được xử lý tại tòa án liên bang ở Brooklyn (New York), Huawei bị cáo buộc phối hợp đánh cắp bí mật thương mại của 6 công ty công nghệ Mỹ và vi phạm luật chống gian lận có tổ chức của nước này.
Cáo trạng nêu những cáo buộc mới về việc Huawei liên quan tới các quốc gia nằm trong danh sách bị trừng phạt của mỹ. Cụ thể, Huawei bị buộc tội lắp đặt các thiết bị giám sát tại Iran để theo dõi, xác minh và cản trở người biểu tình trong các cuộc tụ tập chống chính quyền năm 2009 ở Tehran.
Mỹ thời gian qua triển khai chiến lược “đánh” phủ đầu Huawei và răn đe rằng hãng công nghệ này giúp Bắc Kinh theo dõi người dùng. Năm ngoái, Washington liệt Huawei vào danh sách đen cấm giao dịch thương mại với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Đáp trả lại, Huawei cho rằng cáo trạng của Mỹ gây tổn hại danh tiếng và hoạt động của công ty với lý do đưa ra liên quan đến cạnh tranh hơn là thực thi luật pháp.
Phản ứng trước cáo buộc của Mỹ về Huawei trong cuộc họp báo hôm qua 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang yêu cầu Mỹ ngừng cản trở các doanh nghiệp Trung Quốc một cách vô cớ. Các hành động đó làm tổn hại nặng nề tới uy tín và hình ảnh của Mỹ.
Năm 2018, “công chúa” Huawei Meng Wanzhou, giám đốc tài chính của tập đoàn, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Meng Wanzhou, 47 tuổi, con gái nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, bị bắt khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver hồi tháng 12/2018. Quan hệ Canada - Trung Quốc trở nên căng thẳng sau vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou.
Thêm cáo buộc
Các cáo buộc của Mỹ về việc Huawei đánh cắp bí mật thương mại chủ yếu liên quan tới mã nguồn cho bộ định tuyến (router) internet, công nghệ ăng-ten di động và robot.
Đơn cử, Huawei và công ty con Futurewei Technologies bị cáo buộc chiếm dụng mã nguồn hệ điều hành cho các bộ định tuyến internet, các lệnh dùng để giao tiếp với các bộ định tuyến và hướng dẫn sử dụng hệ điều hành từ một công ty ở Bắc California từ năm 2000.
Huawei sau đó đã bán các bộ định tuyến ra thị trường Mỹ với giá thấp hơn sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ bị xâm hại. Hiện tên doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng chưa được làm rõ, nhưng năm 2003 công ty Cisco Systems đã đâm đơn kiện Huawei ngay tại Texas với cáo buộc vi phạm bản quyền liên quan đến bộ định tuyến của Cisco.
Huawei cũng bị tố cáo tuyển dụng nhân viên từ các công ty khác để “săn” tài sản trí tuệ của các công ty đó, đồng thời tận dụng các giáo sư ở các tổ chức nghiên cứu để chiếm đoạt công nghệ.
Trong một tuyến bố chung mới đây, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ Richard Burr và Phó Chủ tịch Mark Warner cùng cho rằng, bản cáo trạng đã vẽ ra bức tranh đầy chỉ trích đối với một tổ chức vi phạm luật chống gian lận có tổ chức của Mỹ.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ gọi bản cáo trạng là “bước quan trọng trong đấu tranh với doanh nghiệp vi phạm pháp luật và có bàn tay nhà nước đứng sau của Huawei.
Cáo trạng cũng buộc tội “công chúa” Meng Wanzhou và Huawei âm mưu lừa gạt HSBC và các ngân hàng khác bằng cách xuyên tạc mối quan hệ của tập đoàn này với một công ty hoạt động tại Iran, bằng việc dẫn thông tin mà Reuters khui ra 7 năm trước về mối quan hệ của Huawei với công ty TNHH Skycom Tech - một doanh nghiệp cung cấp hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ cho Iran.