Mỹ thoát vỡ nợ vào giờ chót

(ĐTCK) Thượng viện, rồi Hạ viện Mỹ đã lần lượt thông qua một thỏa thuận mở cửa trở lại chính phủ và phê chuẩn giới hạn nợ công mới, kết thúc 3 tuần đầy kịch tính ở Đồi Capitol, suýt nữa đã đẩy nước Mỹ rơi xuống vực phá sản.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ Tòa nhà Quốc hội Mỹ

Với áp lực từ giới kinh doanh và các chủ nợ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Thượng viện Mỹ đã đồng ý chấm dứt tình trạng ngừng hoạt động của chính phủ và mở rộng trần nợ đến đầu năm sau, trong khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bắt đầu thương lượng về một kế hoạch ngân sách mới.

Thỏa thuận của Thượng viện đã được thông qua đêm thứ Tư với 81/99 phiếu thuận, sau đó Hạ viện cũng đã đồng ý và Tổng thống Barack Obama đã ký vào đạo luật ngay sau đó.

“Còn rất nhiều việc phải làm trước mặt chúng tôi, bao gồm sự cần thiết phải lấy lại niềm tin của người dân Mỹ”, ông Obama nói tại Nhà Trắng. “Chúng tôi đã có thể bắt đầu đẩy lùi những nghi ngờ và lo lắng khỏi tâm chí của doanh nghiệp và người dân”. “Hy vọng thời gian tới sẽ không còn chuyện căng thẳng đến phút chót như vừa qua. Chúng tôi sẽ bỏ cách đạt được điều mình muốn thông qua khủng hoảng”, ông Obama nói thêm.

Thỏa thuận nói trên bao gồm việc mở cửa trở lại Chính phủ cho đến 15/1/2014, treo trần nợ đến 7/2/2014, và yêu cầu cuộc thương lượng giảm thâm hụt ngân sách phải hoàn thành chậm nhất là 13/12 năm nay.

Ông Boehner, Chủ tịch Hạ viện, người thuộc đảng Cộng hòa và là đối thủ chính của ông Obama trong “cuộc chiến” vừa qua, thề sẽ tiếp tục chống lại dự luật y tế của ông Obama, vấn đề trung tâm của cuộc chiến ngân sách, nhưng nói rằng, đảng Cộng hòa sẽ chiến đấu khôn khéo thông qua chia rẽ những người ủng hộ dự luật.

Thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng mạnh sau thông tin trên. Chỉ số S&P 500 tăng 1,38% sau quyết định của Thượng viện, sau đó tăng tiếp, phá vỡ mức kỷ lục đạt được trong tháng trước - sau khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố chưa bắt đầu thu hẹp gói nới lỏng định lượng. Chỉ số này đã lập kỷ lục mới là 1.722,6 điểm. Cùng với đó, chỉ số CBOE Vix - một chỉ số đo lường mức độ lo lắng của Phố Wall - đã giảm 21%.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo kinh doanh cho biết, cuộc chiến căng thẳng, kéo dài vừa qua đã gây tổn hại cho nền kinh tế và niềm tin người tiêu dùng. Standard & Poor’s nói rằng, việc Chính phủ đóng cửa đã khiến tăng trưởng GDP theo năm trong quý IV của Mỹ giảm ít nhất 0,6%, tương đương khoảng 24 tỷ USD.

“Ảnh hưởng gần như tức thời mà chúng ta đang thấy của rủi ro vỡ nợ chính phủ là một dòng chảy vào của tiền gửi”, Andy Cecere, Giám đốc tài chính của US Bancorp, ngân hàng có tài sản lớn thứ 6 nước Mỹ, nói. Theo Cecere, các khách hàng đã rút tiền khỏi trái phiếu chính phủ, với hàng tỷ USD trong tuần qua, sau đó gửi chúng vào ngân hàng.

Một dấu hiệu rõ ràng hơn về việc những lo ngại vỡ nợ đã ảnh hưởng thế nào đến các định chế tài chính là, CME Group, một sàn giao dịch hối đoái, hôm thứ Tư đã tăng lượng vốn mà nhà đầu tư phải gửi vào tài khoản để ký quỹ cho các giao dịch hoán đổi lãi suất của Mỹ lên 12%.

Cùng thời gian, Bank of New York Mellon thông báo có 10 tỷ USD được chuyển sang tiền mặt kể từ đầu tháng 10 khi các khách hàng lỏng hóa tài sản phòng khi chính quyền vỡ nợ. Trước đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đặt mức xếp hạng AAA của Mỹ dưới triển vọng tiêu cực.

Harry Reid, lãnh đạo nhóm đa số trong đảng Dân chủ và Mitch McConnell, lãnh đạo nhóm đa số trong đảng Cộng hòa, đã tuyên bố về thỏa thuận đạt được giữa hai đảng tại trụ sở của Thượng viện hôm thứ Tư, 2 tuần sau khi Chính phủ đóng cửa khiến hàng trăm nghìn nhân công tạm thời nghỉ việc và chỉ 1 ngày trước hạn trần nợ.

“Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để thay đổi bầu không khí ở Thượng viện và thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước của chúng ta”, ông Reid nói.

Các cơ quan chính phủ cũng sẽ linh hoạt hơn để thu xếp ngân sách phù hợp với mục tiêu cắt giảm chi tiêu dài hạn như đã được đề cập trong thỏa thuận tài khóa.

Theo luật hiện tại, các cơ quan này có một thời hạn mềm để xác định phương án cắt giảm chi tiêu hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung, Chính phủ vẫn muốn mức độ cắt giảm thấp nhất có thể.

Các lãnh đạo thượng viện đã hạ thấp hầu hết những yêu cầu của đảng Cộng hòa trước đó để thay đổi diện mạo của chương trình y tế mà ông Obama đề xuất, một phần do được phép kiểm tra mức thu nhập của những người nhận được trợ cấp từ chương trình này.

Vậy là tạm thời Chính phủ Mỹ đã thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ, song căng thẳng sẽ xuất hiện và leo thang trở lại vào đầu năm sau, sát thời điểm mà thỏa thuận hiện tại lui tới.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục