Mỹ nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh như một phần trong chiến lược xử lý các vấn đề về thương mại với Trung Quốc.
Mỹ nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai dự kiến ​​sẽ trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He qua điện thoại trong vài ngày tới nhằm kêu gọi Trung Quốc tôn trọng thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà Bắc Kinh đã ký với Washington dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Mỹ cũng có kế hoạch phục hồi miễn trừ một phần thuế quan để giúp hạn chế tác động của căng thẳng thương mại đối với ngành công nghiệp trong nước.

Động thái này diễn ra khi đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tiết lộ chính sách thương mại Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden trong một bài phát biểu hôm 4/10.

Để thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận Giai đoạn 1, bà Tai dự kiến ​​nhấn mạnh rằng, Washington sẽ "sử dụng đầy đủ các công cụ mà chúng tôi có và phát triển các công cụ mới khi cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ khỏi các chính sách và thực tiễn có hại”.

Mục đích của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc sửa đổi các hành vi thương mại không công bằng thông qua đối thoại mà không đưa ra thời hạn cụ thể cho các cuộc đàm phán.

Mỹ đang có kế hoạch khôi phục các miễn trừ thuế quan đã hết hạn vào cuối năm 2020 ngoài các sản phẩm từ dược phẩm. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa quyết định chính xác hàng hoá nào có thể đủ điều kiện để được miễn trừ thuế, nhưng các quyết định đó sẽ được đưa ra phù hợp với các ưu tiên chính sách.

Trong đó, các mặt hàng được miễn trừ thuế có thể là các mặt hàng nhập khẩu liên quan đến biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các mặt hàng liên quan đến năng lượng tái tạo. Chính quyền Tổng thống Trump trước đó đã miễn trừ thuế cho các sản phẩm khó nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Trong các cuộc đàm phán thương mại, bà Tai Katherine cũng được cho là sẽ đề nghị Trung Quốc sửa chữa những điều mà Mỹ xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại thời điểm này, Washington đã chọn không đàm phán một thỏa thuận Giai đoạn 2 về các vấn đề cơ cấu sâu hơn như trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp quan trọng làm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu vì đó là cách tiếp cận của Trung Quốc và rất khó để thay đổi.

Một trong những quan chức cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng, Trung Quốc có thể không thay đổi và chúng tôi phải có một chiến lược đối phó với Trung Quốc thay vì làm như chúng tôi mong muốn”.

Các quan chức cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi đầu tư vào công nghệ, giáo dục và chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn để tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và sẽ tiếp tục làm việc với các nền dân chủ lớn khác để giải quyết hành vi "phi thị trường" của Trung Quốc.

Một quan chức cho biết, Mỹ sẽ theo đuổi một cách tiếp cận linh hoạt đối với mối quan hệ thương mại của Bắc Kinh và các hành động phù hợp với phản ứng của Bắc Kinh.

Theo thỏa thuận Giai đoạn 1, Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng nhập khẩu của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021 từ mức trước chiến tranh thương mại năm 2017. Tuy nhiên, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong 8 đầu năm nay chỉ chiếm 62% mục tiêu.

Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc theo từng giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7/2018. Trung Quốc trả đũa và hai nước bước vào cuộc chiến thương mại. Cho đến nay, Mỹ đã áp đặt thêm 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 370 tỷ USD.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục