Biến thể Lambda lây lan khắp Mỹ Latin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dán nhãn Lambda (trước đây được gọi là C.37) là một “biến thể đáng quan tâm” sau khi nó lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia. Hầu hết các ca mắc Covid-19 mới tại Peru đều liên quan tới biến thể Lambda. Peru ghi nhận ca nhiễm biến thể này lần đầu tiên vào tháng 8/2020.
Biến thể Lambda đã được phát hiện ở một số bang của Mỹ và ít nhất 29 quốc gia, trong đó có nhiều nước Mỹ Latin.
Biến thể Lamba chiếm hơn 80% số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới vào tháng 6 năm nay tại Peru. Đồng thời, biến thể Lambda cũng đang lây lan nhanh chóng ở Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico.
“Cho đến nay chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy biến thể Lambda sẽ trở nên nguy hại hơn. Có thể tỷ lệ lây nhiễm biến thể này cao, nhưng chúng tôi chưa có đủ dữ liệu đáng tin cậy để so sánh nó với biến thể Gamma hay Delta”, nhà virus học Jairo Mendez-Rico của WHO nói với DW.
WHO đã phân loại biến thể Alpha (hay còn gọi là B.1.1.7), Beta (B.1.351), Delta (B.1.617.2) và Gamma (P.1) là “các biến thể đáng lo ngại”. Việc phân loại chỉ ra rằng, những biến thể này dễ lây lan hơn và bệnh nhân nhiễm biến thể có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.
“Mặc dù là điều có thể xảy ra, nhưng hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy các biến thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn và làm tăng tỷ lệ tử vong do dịch bệnh. Virus SARS-CoV-2 có khả năng dễ lây lan hơn trong quá trình đột biến nhưng không có nghĩa là nó sẽ gây hại nhiều hơn”, ông Mendez-Rico nói.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ chưa thể kết thúc cho đến khi ít nhất 80% dân số thế giới được tiêm chủng. Các biến thể như Lambda có thể sẽ tiếp tục xuất hiện cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng đạt tới mức đó.
“Tất cả các loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt trên thế giới đều có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể đang lưu hành và không có lý do gì để cho rằng vaccine kém hiệu quả đối với biến thể Lambda”, ông Mendez-Rico nhấn mạnh.
Mỹ Latin có nguy cơ thành “tâm chấn” của các biến thể mới
Nhà virus học Pablo Tsukayama và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Cayetano Heredia đã tìm hiểu sự phát triển của biến thể Lambda ở Peru trong nhiều tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, biến thể Lambda lây lan nhanh hơn so với các biến thể mà WHO đánh giá là nguy hiểm hơn, thậm chí có thể còn phổ biến hơn biến thể Gamma đang lan rộng ở Brazil.
“Peru đã ghi nhận 200 ca nhiễm biến thể Lambda vào tháng 12/2020. Vào cuối tháng 3/2021, biến thể này chiếm 50% số ca mắc Covid-19 ở thủ đô Lima. Vào tháng 6, hơn 80% số ca mắc bệnh trên toàn quốc là nhiễm biến thể Lambda. Lambda đã trở thành biến thể vượt trội tại Peru trong một khoảng thời gian ngắn”, ông Tsukayama cho biết.
Theo ông Tsukayama, Lambda là một biến thể dễ lây lan và điều này đã khiến nó lan rộng nhanh chóng ở Peru. “Với tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, Peru đang phải vật lộn với cuộc chiến chống đại dịch. Không có gì ngạc nhiên khi các biến thể mới đã bắt đầu xuất hiện ở đây”, ông Tsukayama nói. Tính tới nay, Peru ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 196.000 ca tử vong do dịch bệnh.
Châu Mỹ Latin, với hơn 1,4 triệu ca tử vong do Covid-19, có thể trở thành tâm chấn mới của các biến thể virus SARS-CoV-2. Chẳng hạn, biến thể đáng quan tâm B.1.621, có khả năng lây lan nhanh, được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1, đang ngày càng lan rộng.
Sự kết hợp của các yếu tố như hệ thống y tế quá tải, công việc của người dân không ổn định dẫn đến không có nhiều cơ hội tuân thủ các biện pháp phòng dịch, thiếu nguồn cung vaccine, đã tạo điều kiện cho biến thể Lambda phát triển. Ngoại trừ Chile và Uruguay, những quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 60% dân số, việc triển khai vaccine trên khắp châu Mỹ Latin đang bị chậm lại.
“Rất có thể các biến thể mới sẽ xuất hiện trong làn sóng Covid-19 thứ ba ở Nam Mỹ khoảng từ tháng 7 đến tháng 9. Chúng có thể không làm tăng số ca tử vong nhưng chắc chắn sẽ lây lan nhanh hơn”, ông Tsukayama cho biết.
Sau hội nghị của các nhà tài trợ cho sáng kiến COVAX diễn ra vào đầu tháng 6, khoảng 9,6 tỷ USD (tương đương 8 tỷ euro) đã được tài trợ cho chiến dịch tiêm chủng của các nước nghèo hơn. Điều đó có nghĩa là khoảng 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 sẽ được phân phối tới 90 quốc gia cho tới đầu năm 2022.
“Giờ đây, chiến lược đối với các nước giàu phải là chuyển giao càng nhiều vaccine tới các nước nghèo hơn càng tốt, nếu không, các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Tuyên bố ‘không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn’ vẫn đúng khi nói đến đại dịch Covid-19”, nhà virus học Tsukayama nói.