Những điều cần biết thêm về biến chủng Delta

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những dữ liệu mới về biến chủng Delta đang buộc giới chức y tế ở nhiều nước trên thế giới phải xem xét lại những khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Biến chủng Delta được mô tả là có khả năng lây nhiễm cao. Điều này có nghĩa như thế nào?

Các nhà khoa học cho biết mức độ lây nhiễm gia tăng của biến chủng Delta đồng nghĩa với việc chúng ta phải suy nghĩ lại về những rủi ro khi tiếp xúc, bởi người nhiễm biến chủng này có nồng độ virus cao hơn hẳn so với các chủng trước đây.

Vì thế, những điều trước đây được coi là đúng thì giờ đây không còn đúng nữa, chẳng hạn như phải tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 15 phút thì một người mới có khả năng bị nhiễm bệnh.

Biến chủng Delta cũng đã làm thay đổi những lời khuyên về đeo khẩu trang của giới y tế cộng đồng. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua đã khuyến cáo những người đã tiêm vaccine Covid-19 ở một số địa phương của nước này vẫn cần đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Chính quyền một số địa phương, chẳng hạn như Los Angeles County và St. Louis County đã bắt đầu áp dụng lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết, những hướng dẫn y tế về phòng chống Covid-19 của Mỹ đang được xem xét lại bởi những dữ liệu mới về biến chủng Delta cho thấy số lượng ca nhiễm ở những người đã được tiêm vaccine đầy đủ đang tăng lên, mặc dù số lượng không nhiều. Những ca này có tải lượng virus tương tự với những người chưa được tiêm vaccine.

Dưới đây là những điều cần biết về biến chủng Delta mà các nhà khoa học đã chỉ ra.

Mức độ lây nhiễm của biến chủng Delta so với các biến chủng cũ như thế nào?

Các nhà nghiên cứu ước lượng chủng Delta có mức độ lây lan cao hơn 50% so với biến chủng Alpha xuất hiện lần đầu tiên tại Anh. Trong khi đó biến chủng Alpha lại có mức độ lây lan cao hơn 50% so với chủng virus lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng này, các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉ ra rằng, tính trung bình những người bị nhiễm biến chủng Delta có lượng virus trong hệ hô hấp cao hơn 1.000 lần so với những người bị nhiễm chủng virus Vũ Hán.

“Biến chủng Delta xâm nhập vào tế bào của người bệnh một cách dễ dàng hơn”, giáo sư sức khỏe môi trường John Volckens của Đại học Colorado cho biết.

Tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa với việc những người bị nhiễm bệnh có nhiều virus trong người hơn. Tuy nhiên hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác được trong trường hợp này thì lượng virus tăng lên trong không khí qua đường thở của bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta là như thế nào.

Lượng virus tăng lên 1.000 lần không có nghĩa là lượng virus lan truyền ra không khí cũng tăng lên 1.000 lần, giáo sư Linsey Marr của trường Đại học Công nghệ Virginia – người nghiên cứu về sự lây truyền của virus qua đường không khí cho hay.

Mức độ lây nhiễm của biến chủng Delta làm thay đổi rủi ro phơi nhiễm như thế nào?

Các bác sĩ cho rằng tiêm vaccine là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh, tuy nhiên họ cũng khuyến cáo những người được tiêm vaccine vẫn cần phải cẩn trọng. Mặc dù tác dụng của vaccine đối với biến chủng Delta không cao như đối với các chủng corona trước đó nhưng nó vẫn có khả năng bảo vệ chúng ta trước nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong.

Với những người chưa được tiêm vaccine, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm chỉ trong vòng chưa tới 5 phút sau khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, trong khi đó với các chủng trước đó là 15 phút. Thậm chí nếu tiếp xúc với người bệnh trong thang máy chỉ trong vòng 1-2 phút thì người chưa được tiêm vaccine đã có khả năng bị lây nhiễm rồi, bác sĩ Marr cho biết.

“Nếu như trước đây trong không gian kín phải mất 15 phút để một người bị bệnh có thể lan truyền virus cho người khác và làm cho người này nhiễm bệnh thì giờ đây con số này được rút xuống 1.000 lần. Có nghĩa là giờ đây chỉ mất có vài giây để virus lây lan sang cho người khác”, bác sĩ Marr diễn giải.

Mức độ rủi ro thay đổi thế nào nếu được tiêm vacccine?

Các nhà khoa học cho biết những người được tiêm vaccine đầy đủ có khả năng chống chọi lại virus cao hơn nhiều và rủi ro bị bệnh nặng nếu bị nhiễm virus là rất thấp.

“Độc lực lớn hơn của biến chủng Delta là rủi ro chính đối với những người không tiêm vaccine”, ông Don Milton, giáo sư về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại Trường Y tế cộng đồng của Đại học Maryland cho biết.

So với những chủng virus trước đây biến chủng Delta gây ra mối đe dọa lớn hơn khi chúng ta ở chung với người bị nhiễm bệnh trong một không gian kín trong một khoảng thời gian đáng kể. Những người đã tiêm vaccine dường như phải có thời gian phơi nhiễm dài hơn so với người chưa tiêm vaccine thì mới bị nhiễm bệnh. Chẳng hạn, nếu bạn đã tiêm vaccine thì bạn phải có thời gian phơi nhiễm trong khoảng 15-30 phút thì mới bị nhiễm bệnh. Trong khi đó người không tiêm vaccine thì khoảng thời gian này chỉ rất ngắn.

Người được tiêm vaccine có khả năng lây truyền biến thể Delta không?

Theo bác sĩ Walensky thuộc CDC, người đã được tiêm vaccine khi bị nhiễm biến chủng Delta vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác.

Việc lây nhiễm của biến chủng Delta trong môi trường mở

Trước đây nhiều người cho rằng các hoạt động ngoài trời là an toàn, nhưng các nhà khoa học cho biết trong một số trường hợp nhất định thì phải cân nhắc lại điều này. Biến chủng Delta làm gia tăng rủi ro bị lây nhiễm khi hoạt động ngoài trời, đặc biệt là đối với những người chưa tiêm vaccine.

Nếu bạn tiếp xúc gần một người nào đó bị nhiễm bệnh thì rất có thể bạn sẽ bị lây nhiễm thông qua giọt bắn của người đó. Rủi ro này tăng lên khi tham gia những sự kiện đông người như một buổi hòa nhạc hay một trận thi đấu bóng rổ.

Theo các bác sĩ thì một người đã được tiêm vaccine khi tham gia những hoạt động như đạp xe đạp hay đi bộ, tức là người đó đang di chuyển và phơi nhiễm trong một thời gian rất ngắn với người bị nhiễm bệnh thì vẫn an toàn, thậm chí cả trong trường hợp người này không đeo khẩu trang. Các bác sĩ khuyến cáo, khi tham gia hoạt động ngoài trời với đám đông thì nên đeo khẩu trang.

Rủi ro nhiễm bệnh sẽ tăng lên nếu tham dự một đám cưới trong một không gian có 3 phía khép kín, chẳng hạn như trong lều hoặc phòng tiệc, vì tại những nơi đó không khí lưu thông không tốt.

Có nên đeo khẩu trang hay không khi đã được tiêm vaccine?

CDC khuyến cáo những người đã tiêm vaccine ở những nơi được coi là có khả năng lây nhiễm đáng kể hoặc cao thì nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Hiện có tới gần 46% số hạt ở Mỹ được coi là khu vực có mức độ lây nhiễm cao và 17% số hạt được cho là có mức độ lây nhiễm đáng kể. Số ca bệnh hiện đang tăng lên nhanh chóng trong những ngày qua tại những bang như Arkansas, Florida, Louisiana, Missouri và Alabama – nơi chỉ có chưa tới 50% dân số được tiêm vaccine.

Dù tác dụng của vaccine là rất rõ ràng nhưng bác sĩ Marr vẫn khuyến nghị những người đã tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang có chất lượng cao ở những địa điểm công cộng có môi trường kín bởi chúng ta không thể biết được những người khác đã tiêm vaccine hay chưa.

Huy Nguyễn
Theo Wall Street Journal

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục