Mỹ khó có thể ngăn chặn giao dịch dầu mỏ của Iran với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Mỹ được kêu gọi phải thắt chặt lệnh trừng phạt Iran sau cáo buộc Tehran ủng hộ Hamas - phiến quân đứng đằng các cuộc tấn công gây ra xung đột hiện nay với Israel.
Một tàu chở dầu ngoài khơi cảng Bandar Abbas của Iran. Ảnh: AFP Một tàu chở dầu ngoài khơi cảng Bandar Abbas của Iran. Ảnh: AFP

Mỹ đứng ngoài cuộc chơi?

Phái diều hâu ở Washington đang đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden thắt chặt lệnh trừng phạt Iran. Họ cho rằng, Tehran đã xuất khẩu nhiều dầu mỏ hơn trong những tháng gần đây, so với những năm trước.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, các biện pháp mới và việc thực thi trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ sẽ khó có thể làm suy giảm nguồn thu chính của Iran bởi các thương nhân, nhà phân tích và giám đốc điều hành doanh nghiệp dầu mỏ cho rằng đó là mạng lưới thanh toán và vận tải rộng lớn mà Mỹ không thể tiếp cận được.

Sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, Iran đã phải đối mặt với chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ, nhằm buộc Tehran từ bỏ việc làm giàu uranium và cắt viện trợ cho các lực lượng ủy nhiệm. Washington đe dọa áp dụng lệnh trừng phạt đối với những quốc gia nào không giảm nhập khẩu dầu của Iran về mức 0.

Thế nhưng, một số báo cáo sau năm 2018 cho thấy số chuyến tàu xuất khẩu dầu của Iran đã tăng đều đặn nhờ áp lực của Mỹ giảm bớt và nhu cầu của Trung Quốc gia tăng, theo Bloomberg.

Iran một lần nữa nắm giữ vị trí thứ ba trong số các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và phần lớn số thùng dầu của nước này - hơn 90% - đang hướng đến thị trường Trung Quốc.

Về phía Mỹ, ngay khi mới xuất hiện xung đột Israel - Hamas, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lên tiếng khẳng định rằng, các biện pháp mới chống lại Iran là có thể thực hiện được. Bất chấp những rủi ro lạm phát sẽ xuất hiện cùng việc siết chặt Nga và Iran trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024, Tổng thống Biden có thể phải gồng mình chạy đua. Điều chưa rõ ràng hiện nay là liệu Washington thực sự có thể làm được gì để chống lại tác động từ sự hỗ trợ của Trung Quốc không.

"Giao dịch dầu mỏ rất phức tạp, có nhiều trung gian, khiến việc trừng phạt của Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mỹ có thể nhắm vào các công ty công khai rõ ràng các giao dịch với Iran, nhưng nhiều trung gian trong số này là các thực thể nhỏ", ông Homayoun Falakshahi, nhà phân tích dầu mỏ cấp cao tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, cho biết.

"Thật khó để xác định phải theo sát đối tượng nào. Mỹ có thể trừng phạt các nhà máy lọc dầu và thậm chí cả các công ty dầu khí quốc gia như tập đoàn Sinopec (Trung Quốc), nhưng điều đó sẽ nhiều khả năng gây hệ lụy chính trị trong bối cảnh mối quan hệ hai bên vốn đã căng thẳng", ông Falakshahi đánh giá.

Giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc không bị ảnh hưởng

Các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại đã trở thành công cụ chính sách đối ngoại ngày càng quan trọng khi các quốc gia tìm cách gây ảnh hưởng lên đối thủ mà không cần dùng đến lực lượng quân sự. Tuy nhiên, cả Iran và Nga đều chứng minh cho một thực tế rằng ngay cả khi hứng chịu những biện pháp trừng phạt mạnh tay chưa từng có, doanh thu từ dầu mỏ của họ tiếp tục lập đỉnh.

Vài tuần trở lại đây, chính quyền Mỹ đã đưa một số công ty của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào danh sách đen vì giao dịch với Nga, đồng thời xử phạt hai tàu chở dầu cùng chủ tàu vì vi phạm trần giá dầu do các quốc gia G7 đặt ra. Mặc dù các biện pháp trên gây khó chịu cho các nhà giao dịch dầu mỏ thế giới, nhưng họ vẫn tin rằng chúng sẽ không làm ảnh hưởng đến giao dịch dầu thô và bằng chứng là đội tàu dầu "lậu" với hàng trăm thành viên vẫn hoạt động, điều này cũng chỉ ra điểm hạn chế của Mỹ trong kiểm soát và thực thi lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt đối với các công ty ở Singapore và Malaysia vào đầu năm nay với cáo buộc là họ có vai trò trong việc điều kiện cho việc bán và vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm hóa dầu trị giá hàng triệu đô la thay mặt cho một công ty có mối liên hệ với Iran, hầu như đã không gây ảnh hưởng đến hoạt động mua bán dầu mỏ với Trung Quốc.

Ông Raffaello Pantucci, một thành viên cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định: "Giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc có lẽ là điều mà Mỹ sẽ phải tìm cách ngăn chặn hoàn toàn".

"Họ (Mỹ - BTV) có thể gây thêm áp lực lên các công ty Trung Quốc nếu họ tập trung điều tra, xác định các mối liên hệ và mở rộng phạm vi trừng phạt. Thực tế là họ đã mở rộng khá nhiều biện pháp trừng phạt đối với nhiều thực thể khác nhau của Trung Quốc", ông Pantucci nói thêm.

Theo Bloomberg, Trung Quốc từ lâu đã sử dụng các tổ chức tài chính nhỏ hơn như ngân hàng Kunlun làm kênh giao dịch quan trọng với Iran, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán dầu mỏ và hạn chế sự tiếp xúc của các thực thể lớn hơn với các đầu mối kinh doanh quốc tế.

Gần đây, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã hưởng lợi từ một nền tảng thanh toán thay thế được gọi là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) do ngân hàng trung ương nước này phát triển nhằm giải quyết các yêu cầu thanh toán quốc tế.

Còn về phương diện logistics, sự mở rộng của đội tàu "lậu" chở dầu từ các bên bị trừng phạt đến khách hàng toàn cầu, lại giúp các bên mua như Trung Quốc có thêm nhiều lựa chọn. Hiện số lượng đội tàu lậu này đã mở rộng lên khoảng 600 tàu, bao gồm cả các tàu chở dầu của Nga và những tàu sẵn sàng chở dầu Urals của Nga và các loại khác.

"Nếu bạn tìm được một bên trung gian và quyết định xử lý mạnh tay, họ sẽ phá sản. Nhưng nhiều công ty trong số này là công ty ma với văn phòng ảo", ông Falakshahi từ công ty phân tích dữ liệu Kpler lưu ý.

Bà Michal Meidan, giám đốc Chương trình năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng các công cụ như đồng nhân dân tệ điện tử và đội tàu dầu lậu như một "huyết mạch cho các nhà sản xuất dầu mỏ". Trong khi đó, Iran có rất ít lựa chọn về xuất khẩu dầu mỏ, ngoài đối tác mua là Trung Quốc.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục