Ngược chiều với nỗ lực của Fed
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giữ ổn định ở mức 3,7% trong tháng 11/2022, theo số liệu báo cáo việc làm hàng tháng được Bộ Lao động nước này công bố ngày 2/12.
Trước đó, các nhà kinh tế được khảo sát bởi Refinitiv đã dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm mới tại Mỹ sẽ chậm lại, chỉ đạt được 200.000 việc làm trong tháng 11 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thay đổi ở mức 3,7%.
Giải trí, khách sạn, và chăm sóc sức khỏe là những ngành ghi nhận tăng trưởng việc làm cao nhất trong tháng 11. Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tăng đột biến ngoài dự kiến, trở thành một cơn gió nghịch với nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed. Các quan chức Fed lâu nay bày tỏ lo ngại về việc tăng lương sẽ khiến lạm phát tăng cao.
Trong tháng 11, thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước và 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia kinh tế từng dự đoán kỳ vọng tốc độ tăng thu nhập trung bình mỗi giờ tại Mỹ sẽ chậm lại từ tháng 10, nhưng số liệu chính thức sau điều chỉnh đã tăng 0,5% so với tháng trước và 4,9% so với năm ngoái.
Ông Mark Hamrick, chuyên gia kinh tế cao cấp của Công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate (New York), cho biết: "Báo cáo việc làm tháng 11 là luồng tin tốt lành cho người lao động Mỹ, bao gồm cả việc tiền lương tăng mạnh".
"Chiểu theo cách phân chia truyền thống thường thấy giữa Main Street (ám chỉ các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Mỹ - BTV) Wall Street (các tổ chức và công ty tài chính lớn), thì báo cáo việc làm cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát", ông Mark Hamrick nói.
Bà Sophia Koropeckyj, Giám đốc điều hành Moody's Analytics, đánh giá bức tranh thị trường lao động Mỹ đang trở nên phức tạp hơn, do hứng chịu một số tác động.
"Đầu tiên, thị trường lao động siết chặt chắc chắn đã hạn chế việc tuyển dụng vào dịp lễ, nhưng các nhà tuyển dụng đang tuyển dụng thận trọng hơn do không chắc chắn về sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng", bà Sophia Koropeckyj nêu.
"Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng thận trọng hơn để kiểm soát tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh chi phí lao động và nguyên vật liệu tăng cao. Một số ngành nhạy cảm với lãi suất cũng đang chững lại. Cần lưu ý rằng rút lui không nhất thiết có nghĩa là sa thải lao động. Nó cũng có thể là tuyển dụng thận trọng hơn. Điều này phần nào giải thích tại sao số lượng lao động bị sa thải thấp và tỷ lệ thất nghiệp thấp".
Trong vài tuần gần đây, ngành công nghệ Mỹ dậy sóng với các thông báo sa thải hàng loạt, với tổng số 52.771 người lao động bị thông báo cho nghỉ việc. Đây cũng là tổng số lao động bị sa thải trong tháng cao nhất của lĩnh vực công nghệ, tính từ năm 2000, theo Công ty tư vấn việc làm Challenger, Grey & Christmas.
Ông Jim McCoy, Phó chủ tịch phụ trách các giải pháp của ManpowerGroup cho biết, mặc dù số lượng sa thải tăng cao, nhưng hầu hết những tổn thất đó đang được tái hấp thu vào thị trường lao động.
"Ở thời điểm này, hầu hết các công ty thông báo sa thải đều là hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số", ông Jim McCoy nhấn mạnh. "Và nếu không, họ sẽ đầu tư vào tự động hóa, họ sẽ đầu tư vào sự hiện diện trên website của họ, họ sẽ đầu tư vào các công cụ nâng hiệu suất kinh doanh và vậy nên họ cần nhân sự [trong lĩnh vực công nghệ thông tin]", đại diện ManpowerGroup cho biết.
Khó khiến Fed thay đổi ý định
Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/12 cũng đưa ra những điều chỉnh quan trọng. Cụ thể, số việc làm mới trong tháng 9 được điều chỉnh giảm 46.000 xuống còn 269.000, trong khi tháng 10 được điều chỉnh tăng 23.000 việc làm lên 284.000.
Xem xét những điều chỉnh trên, số việc làm tăng thêm trong tháng 11 cao hơn đáng kể so với mức trung bình hàng tháng trước đại dịch Covid-19, nhưng lại là mức việc làm bổ sung thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Điều này có thể không mang lại an ủi nhiều đối với Fed bởi cơ quan này đã dốc sức nỗ lực chống lạm phát và tăng lãi suất cho vay cơ bản thêm 3,75 điểm phần trăm trong năm nay với hy vọng kéo giảm nhu cầu và "hạ nhiệt" lạm phát đang tăng cao kỷ lục trong 4 thập kỷ qua.
Một số lĩnh vực khác của kinh tế Mỹ phải gánh chịu tác động từ các biện pháp chống lạm phát của Fed, đơn cử doanh số bán nhà sụt giảm.
Tuy nhiên, Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Quỹ quản lý đầu tư Allianz, cho rằng: "Mặc dù các dữ liệu kinh tế khác trong vài tuần qua đều thuận lợi cho tiến trình của Fed trên mặt trận lạm phát, nhưng dữ liệu việc làm tăng trưởng mạnh mẽ rõ ràng là trở ngại lớn nhất đối với Fed".
"Số biên chế trong bảng lương cần phải giảm xuống dưới tỷ lệ thay thế để tiếp tục kìm hãm nền kinh tế, vì việc tăng lãi suất mạnh mẽ cho đến nay tác động rất ít đến thị trường lao động", đại diện Quỹ quản lý đầu tư Allianz đánh giá.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy Mỹ vẫn còn hơn 10 triệu cơ hội việc làm trong tháng 10. Điều này cho thấy sự nới lỏng dần dần trên thị trường lao động, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 4,5 triệu việc làm trước khi dịch Covid xuất hiện tại Mỹ.
Báo cáo việc làm vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ là báo cáo việc làm cuối cùng trước cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 13-14/12. Các quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới, thấp hơn một chút so với 4 đợt tăng 0,75 điểm phần trăm trước đó.
Ông Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư tại Công ty dịch vụ tài chính Edward Jones (Mỹ), cho rằng báo cáo việc làm tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 11 khó có thể khiến Fed rời xa ý định tăng lãi suất để hãm tốc độ tăng trưởng.
"Nhưng những gì nó có thể làm là tiêu tan một số hy vọng rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất", ông Angelo Kourkafas bình luận trên đài CNN.