Sức ép gia tăng, Fed vẫn không "bật đèn xanh" chuyển hướng
Bảng lương phi nông nghiệp - một báo cáo toàn cảnh về thị trường Mỹ - ghi nhận thêm 263.000 việc làm mới trong tháng 9, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Đây cũng là mức tăng hàng tháng chậm nhất của bảng lương phi nông nghiệp trong gần một năm rưỡi qua.
Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng ngạc nhiên của tỷ lệ thất nghiệp và thêm một đợt tăng lương mới đây của người lao động Mỹ lại phát đi một thông điệp rõ ràng đến các thị trường rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Ron Hetrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty cung cấp dữ liệu lao động Lightcast, cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp từng được cho là điều rất có lợi, nhưng trong tình hình hiện nay của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp thấp lại trở thành tác nhân lớn gây ra lạm phát.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 9 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn tốc độ tăng 5,2% của tháng 8.
Các quan chức Fed cho rằng thị trường lao động bị thu hẹp kỷ lục là một trong những tác nhân khiến lạm phát Mỹ lên gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Fed buộc phải tiến hành một loạt các đợt tăng lãi suất cơ bản nhằm "hạ nhiệt" nhu cầu và nới lỏng thị trường lao động.
Bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 vừa được công bố đã củng cố thêm rằng các tác nhân đứng sau lạm phát vẫn đang tồn tại.
Với bức tranh thị trường lao động tháng 9 trên, thị trường tài chính Mỹ gần như chắc chắn rằng Fed sẽ tiến hành đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng tới.
Trong một bài phát biểu tuần này, ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc Fed khẳng định rằng bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 sẽ không làm thay đổi quan điểm của ông về lạm phát.
"Theo quan điểm của tôi, chúng tôi vẫn chưa đạt được tiến triển có ý nghĩa trong việc chống lạm phát và cho đến khi đạt được tiến triển ổn định tôi vẫn ủng hộ việc tăng lãi suất, cùng với tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán nhằm kiềm chế tổng cầu", ông Christopher Waller nhấn mạnh.
Các thị trường đang kỳ vọng tháng 11/2022 có thể sẽ là đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm cuối cùng của Fed.
Theo dữ liệu của CME Group, giới giao dịch nhận định rằng 82% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng 11, sau đó là mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 và 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2/2023; khi đó lãi suất cho vay tại Mỹ sẽ lên ngưỡng 4,5 - 4,75%.
Điều khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn bất cứ điều gì hiện nay là liệu Fed có thể thực hiện tất cả các đợt tăng lãi suất trên mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái nặng nề và kéo dài hay không.
Phố Wall bi quan
Con số 263.000 việc làm mới trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 mang lại hy vọng rằng thị trường lao động có thể đủ mạnh để chịu được sự thắt chặt tiền tệ như thời cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker chống lạm phát vào đầu những năm 1980 với lãi suất huy động trên 19%.
"Nó (thị trường lao động - BTV) có thể làm tăng thêm câu chuyện hạ cánh mềm mà dường như khá khó đạt được trong một thời gian nhất định", ông Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn tài chính LPL Financial, nhận định. Chuyên gia này cho rằng: "Hạ cánh mềm vẫn có thể xảy ra nếu Fed không phá vỡ bất cứ điều gì".
Lo lắng về những "phá vỡ" đó, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số Dow Jones "bốc hơi" hơn 500 điểm vào trưa ngày 7/10.
Ông Ken Kim, chuyên gia kinh tế cấp cao tại KPMG cho rằng: "Thông thường, trong hầu hết các chu kỳ kinh tế khác, chúng tôi rất vui mừng với một báo cáo (bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 - BTV) vững chắc như vậy, đặc biệt là từ phía thị trường lao động. Nhưng điều này chỉ nói lên về mặt khối lượng (việc làm - BTV), về thế giới đảo lộn mà chúng ta đang sống, bởi sức mạnh của tỷ lệ thất nghiệp mới gây áp lực khiến Fed phải cân nhắc việc tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai".
Còn ông David Donabedian, Giám đốc điều hành tại Quỹ quản lý tài sản CIBC Private Wealth, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng áp lực lên Fed sẽ vẫn ở mức cao, với việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ cho đến năm 2023. Fed đang siết chặt nền kinh tế một cách bất hợp lý, gây ra những tác động xấu kéo dài lên thị trường chứng khoán".
Cụ thể hơn, ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư của BlackRock dự đoán: "Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tới ... do đó, tình hình tài chính càng bị thắt chặt hơn".
Ông Ron Temple, người đứng đầu thị trường vốn Mỹ tại Quỹ quản lý tài sản Lazard Asset Management, cho rằng: "Khi tăng trưởng việc làm đang chậm lại, nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá nóng để Fed nghĩ tới việc đạt mục tiêu lạm phát. Con đường dẫn đến hạ cánh mềm ngày càng trở nên khó khăn hơn".
Từ bức tranh thị trường lao động tháng 9, kinh tế Mỹ trong quý III được dự báo tăng trưởng mạnh, sau khi chứng kiến các chỉ số tiêu cực liên tiếp trong hai quý đầu năm. Theo nền tảng dự báo tăng trưởng GDPNow của Fed tại chi nhánh Atlanta, mức tăng trưởng trong quý III của Mỹ ước đạt 2,9%.