Nguồn tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vùa thông báo khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, tháng 7/2023, Công ty Dexstar, Mỹ (nguyên đơn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp gốc) đã gửi đơn đến DOC đề nghị điều tra xem xét phạm vi sản phẩm bánh xe kéo bằng thép được hoàn thiện tại Việt Nam từ các cấu phần xuất xứ Trung Quốc có thuộc phạm vi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc không.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên liên quan của vụ việc được phép gửi ý kiến bình luận và các thông tin liên quan để bác bỏ, làm rõ hoặc đính chính các thông tin nêu trong đơn đề nghị điều tra của nguyên đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng (ngày 7/8/22023).
Sau khi nhận được ý kiến từ các bên, nguyên đơn sẽ có 14 ngày để phản hồi lại.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp liên quan trong vụ việc, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bánh xe kéo bằng thép tìm hiểu, nắm rõ các quy định, trình tự thủ tục điều tra phạm vi sản phẩm của Mỹ.
Đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan điều tra Mỹ (nếu có), phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu nước ta. Trong số này, có 3 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc tự vệ.
Đáng nói, có tới 3 vụ việc khởi kiện là do Mỹ thực hiện, bao gồm: Vụ khởi kiện mặt hàng túi mua hàng bằng giấy nhập từ Việt Nam, trong tháng 5/2023, Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giá để đồ bằng thép không dùng bu-lông, có mã HS 9403.20.0075 nhập khẩu từ Việt Nam.
Tháng 2/2023, Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas.
Cục Phòng vệ Thương mại lý giải, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, nhiều mặt hàng xuất khẩu trên đà tăng trưởng mạnh.
Từ đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường nước ngoài. Mặt khác, cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc Chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ phòng vệ đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước.