Công ty Chesapeake Energy, một trong những công ty tiên phong trong ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 29/6, đồng thời cho biết công ty sẽ thực hiện việc tái cơ cấu để được xóa khoản nợ 7 tỷ USD, giữa bối cảnh ngành dầu mỏ thế giới lao đao trước những tác động của đại dịch COVID-19.
Công ty có trụ sở tại Oklahoma này cho hay động thái trên là cần thiết, bất chấp những nỗ lực để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí mà công ty đã thực hiện.
Chesapeake Energy đã bắt đầu các thủ tục xin bảo hộ phá sản tại tòa án Texas theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ, theo đó cho phép một công ty không còn khả năng trả nợ được tái cơ cấu mà không phải chịu áp lực từ các chủ nợ.
Chesapeake Energy đã thực hiện một thỏa thuận hỗ trợ tái cấu trúc với đa số các chủ nợ, theo đó các chủ nợ sẽ xóa khoản nợ trị giá khoảng 7 tỷ USD và đầu tư 600 triệu USD vào công ty này thông qua việc phát hành cổ phiếu mới.
Theo Giám đốc điều hành Chesapeake Energy, ông Doug Lawler, mặc dù đã loại bỏ hơn 20 tỷ USD nghĩa vụ tài chính, việc tái cấu trúc trên là cần thiết đối với thành công trong dài hạn của công ty và tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang phải đối mặt với một viễn cảnh u ám, do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh, trong khi nguồn cung gia tăng khiến các kho chứa "vàng đen" trở nên khan hiếm.
Ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã được phát triển bởi các nhà sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng các kỹ thuật sản xuất mới và tạo ra sự bùng nổ trong ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu.
Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng dầu đá phiến đã giúp Mỹ vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.