Nếu Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Joe Biden không thể đạt được thỏa thuận để tăng trần nợ công hiện ở mức 31.400 tỷ USD, Chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới.
Bất chấp mọi ồn ào về thảm họa sắp xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ cần tiếp tục hoạt động bình thường mà không bị gián đoạn, ngay cả khi Quốc hội không nâng giới hạn luật định của nợ công. Đó là bởi vì luật pháp yêu cầu như vậy.
Điều II, Mục 3 của Hiến pháp yêu cầu tổng thống, với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp, phải “chăm lo để luật pháp được thực thi một cách trung thực.” Tuy nhiên, nhiệm vụ theo Hiến pháp của tổng thống là gì khi các luật chi tiêu mâu thuẫn với nhau? Đó là tình hình hiện tại của nước Mỹ.
Cụ thể, vào tháng 12/2021, Quốc hội đã thông qua dự luật với một câu duy nhất, cho phép tăng trần nợ công lên một con số mà sẽ sớm không còn đủ để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, một năm sau, vào tháng 12/2022, Quốc hội đã ban hành một luật chi tiêu rất chi tiết - Đạo luật phân bổ ngân sách hợp nhất năm 2023.
Luật này quy định các khoản ngân sách hằng năm của Quốc hội cho hầu hết các cơ quan và chương trình liên bang, cũng như yêu cầu các khoản thanh toán từ Bộ Tài chính cho các chương trình phúc lợi (ngoại trừ những chương trình được phân bổ vĩnh viễn).
Để “thực hiện trung thực” quy chế chi tiêu do Quốc hội ban hành vào tháng 12/2022, Tổng thống Biden phải ra lệnh cho Bộ Tài chính tiến hành đấu giá trái phiếu cần thiết để cho phép thực hiện quy chế này.
Có hai quy tắc xây dựng luật định cần tuân thủ. Đầu tiên, khi hai luật xung đột, luật mới hơn sẽ thắng thế, đây là “quy tắc về thời gian gần nhất”. Thứ hai, khi hai luật xung đột, luật cụ thể sẽ thắng thế so với luật chung, đây là “quy tắc chung-cụ thể.”
Dựa trên cả hai nguyên tắc, theo luật, Tổng thống Biden phải ưu tiên cho các khoản phân bổ cụ thể được ban hành vào tháng 12/2022 so với đạo luật chung về việc nâng mức trần nợ công được ban hành một năm trước đó.
Trong khi đó, đối với việc chi tiêu cho các chương trình được phân bổ vĩnh viễn như An sinh xã hội và Medicare, trong đó các khoản phân bổ đã được ban hành trước khi mức trần nợ công được đưa ra, tổng thống được yêu cầu thực thi một cách trung thực các luật đã được ban hành mà có tính cụ thể cao hơn nhiều so với luật trần nợ công chung chung hơn.
An sinh xã hội và Medicare được ban hành trong Đạo luật An sinh xã hội với các đảm bảo pháp lý cụ thể rằng Bộ Tài chính sẽ thanh toán các khoản trợ cấp cụ thể cho những người thụ hưởng đủ điều kiện và cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế thay mặt cho những người thụ hưởng.
Nghĩa vụ theo luật định của tổng thống trong việc thanh toán những khoản trợ cấp cụ thể này sẽ quan trọng hơn ngôn ngữ chung của luật trần nợ công.
Các khoản thanh toán lãi cho chứng khoán Kho bạc (các khoản nợ chịu lãi của chính phủ Mỹ được Bộ Tài chính phát hành như một phương tiện vay để đáp ứng chi tiêu của chính phủ không được trang trải bằng khoản thu từ thuế) cũng được phân bổ vĩnh viễn.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc huy động tiền mặt cần thiết để trả lãi được quy định rõ ràng trong Tu chính án thứ 14 như sau: “Tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ…không được phép bị nghi ngờ.”
Giới chuyên gia pháp lý lập luận rằng theo câu chữ của Tu chính án 14, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều vi hiến. Do đó, tổng thống có nghĩa vụ vô hiệu hóa trần nợ công nếu Quốc hội quyết định không tăng trần nợ.
Tất nhiên, kết quả tốt nhất sẽ là Đạo luật Ngân sách trong hai năm được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, nếu không thể đạt được thỏa thuận do bế tắc chính trị, trách nhiệm của tổng thống theo Hiến pháp là rõ ràng: tổng thống phải “thực hiện trung thực” các khoản phân bổ được ban hành vào năm 2022 và các khoản thanh toán phúc lợi được đảm bảo cụ thể trong Đạo luật An sinh Xã hội và các đạo luật phúc lợi tương tự.
Nhiều chuyên gia cho rằng những ồn ào hỗn độn lặp đi lặp lại về trần nợ công mà người dân Mỹ và các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang phải hứng chịu cần phải dừng lại.
Đã đến lúc Tổng thống Biden và Bộ Tư pháp phải làm rõ rằng Tổng thống có nghĩa vụ theo Hiến pháp và theo luật định để thực thi các luật về chi tiêu và phúc lợi của Quốc hội.