Paul Abrahimzadeh, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần khu vực Bắc Mỹ tại Citigroup cho biết: “Bạn sẽ thấy các công ty đổ xô phát hành ra thị trường đại chúng hoặc các giao dịch trái phiếu chuyển đổi”.
Sau khởi đầu trầm lắng trong năm nay và một năm 2022 ảm đạm, sự hồi sinh trong hoạt động của thị trường vốn cổ phần Mỹ có thể được kích hoạt bởi hai trong số những rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Lý do là các công ty rất mong muốn mang lại tiền mặt trong khi họ có thể tránh sự không chắc chắn của tình trạng bế tắc tài chính kéo dài tại Quốc hội.
“Ở thị trường tư nhân, mọi người sẽ cố gắng tài trợ cho các giao dịch của họ và kết thúc trước đầu tháng 6 vì họ không biết điều gì sẽ xảy ra sau thời hạn trần nợ”, ông Paul Abrahimzadeh cho biết.
Khi Mỹ vi phạm trần nợ vào năm 2011, thị trường vốn và tín dụng đã bị đóng băng trong khoảng 6 tháng do chi phí nợ của Mỹ tăng vọt sau khi xếp hạng tín dụng của quốc gia bị hạ cấp. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ ước tính rằng, sự chậm trễ trong việc tăng trần nợ đã làm tăng chi phí đi vay của các doanh nghiệp lên 1,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm đó.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể tạo ra một cơ hội khác cho các tập đoàn huy động tiền mặt. Khi khả năng tiếp cận nợ bị thắt chặt, các công ty có thể không thể dựa vào các cơ sở tín dụng từ các ngân hàng vì các tiêu chuẩn cho vay đã tăng lên.
Hoạt động huy động vốn cổ phần đã trở nên tạm lắng bắt đầu vào đầu năm 2022 sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Chi phí vốn chủ sở hữu trung bình đối với các cổ phiếu thuộc S&P 1500 Composite đã đạt mức cao nhất là 11% vào tháng 12/2022, tăng từ mức 8,9% trong cùng kỳ năm 2021, đẩy khối lượng phát hành giảm xuống.
Mặc dù khối lượng phát hành cổ phiếu thứ cấp của Mỹ trong năm nay đã đạt 9,7 tỷ USD, tăng từ 8,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch ở mức gần 29 tỷ USD. Do đó, thị trường hiện đang có rất nhiều dư địa để phát triển và quay trở lại vị trí cũ.
Nhìn chung, Citigroup đang lạc quan về cổ phiếu trong nửa cuối năm nay và đến năm 2024, nhưng “chúng ta vẫn chưa đến thời điểm IPO mở cửa sôi nổi trở lại cho đến khi có một đợt phục hồi bền vững và mức độ biến động giảm”, ông Paul Abrahimzadeh cho biết.
“Một khi thị trường có cảm giác rằng lãi suất được kiềm chế hoặc giảm xuống, thì các lĩnh vực như phần mềm, FinTech, y tế kỹ thuật số, công nghệ sinh học sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vốn đó”, ông cho biết thêm.