Mỹ có thể mất 100 - 500 tỷ USD/năm vì hacker

(ĐTCK) Vụ đánh cắp thông tin mới đây nhất của hãng bảo hiểm khổng lồ Anthem đã cho thấy, nền kinh tế nước Mỹ tiếp tục là mục tiêu tấn công của không chỉ tin tặc máy tính thông thường, mà còn của cả các tổ chức tội phạm công nghệ cao.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Những hành vi xâm nhập vào hệ thống dữ liệu tăng lên cao trong thời gian gần đây cho thấy, nền kinh tế nước Mỹ đang bị đe dọa bởi một mối nguy cơ lớn.

Các vụ tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ không phải là chủ đề mới, tuy nhiên những năm gần đầy, có nhiều dấu hiệu cho thấy tội phạm công nghệ cao đang chuyển hướng tấn công từ các công sở, văn phòng chính phủ, sang hệ thống dữ liệu của các doanh nghiệp. Điều này đe dọa trực tiếp tới nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực của Mỹ.

Theo một nghiên cứu từ hãng chuyên cung cấp các giải pháp an ninh McAfee, dự tính kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 100 tỷ USD đến 500 tỷ USD mỗi năm và mất hơn nửa triệu việc làm do các vụ tấn công trên mạng.

Trước đó, năm 2014 được ghi nhận là một năm tồi tệ với rất nhiều vụ tấn công mạng nổi tiếng nhằm vào các công ty Mỹ.

Trong tháng 7/2014, số điện thoại và địa chỉ email của 83 triệu khách hàng của ngân hàng đầu tư JP Morgan Chase bị đánh cắp.

Tháng 8/2014, Kmart tiết lộ việc hệ thống thanh toán của họ đã bị xâm nhập khiến số thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng bị tiết lộ. Ngay sau đó, hãng Staples cũng thông báo rằng hệ thống thanh toán đã gặp sự cố liên quan tới dữ liệu về thẻ tín dụng.

Trong tháng 9/2014, tin tặc đã ăn trộm số thẻ tín dụng của 56 triệu khách hàng của hệ thống siêu thị Home Depot.

Và kết thúc năm ngoái, tháng 11/2014, Sony bị tấn công bởi một nhóm tin tặc xưng tên là “Kẻ bảo vệ hòa bình” (GOP). Sau đó, hệ thống máy tính của hãng bị tê liệt, trong khi năm bộ phim bị rò rỉ lên mạng trước khi công chiếu.

Chưa hết, dữ liệu cá nhân của 47.000 nhân viên Sony bị tung lên mạng cùng nhiều tài liệu bí mật như kịch bản cho bộ phim “James Bond” tiếp theo. Thêm vào đó, nhiều thông tin nhạy cảm về các diễn viên ngôi sao cũng như những cuộc trò chuyện riêng tư giữa các chuyên gia trong ngành bị tiết lộ gây sóng gió trong dư luận.

Tuy nhiên, 2014 chưa hẳn là năm tồi tệ nhất. Tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos mới diễn ra gần đây, Giám đốc điều hành của Cisco, ông John Chambers đã cảnh báo rằng, năm 2015 sẽ còn chứng kiến nhiều vụ tấn công qua mạng nhằm vào lĩnh vực kinh doanh hơn các năm trước đó.

Ông Chambers phát biểu với kênh CNBC tại diễn đàn kinh tế thế giới rằng: “Không có bất kỳ dữ liệu hay hệ thống nào trên thế giới là không thể bị tấn công. Nếu để ý đến con số các vụ tấn công trên mạng, bạn sẽ thấy nó đang tăng lên dần trong năm nay. Năm nay sẽ là một năm còn tồi tệ hơn 2014”.

Và gần đây nhất, mới hôm thứ Năm (5/2), hãng bảo hiểm khổng lồ của Mỹ - Anthem cho biết, hệ thống dữ liệu của 80 triệu khách hàng của hãng đã bị tin tặc tấn công và có hơn 10 triệu thông tin bị đánh cắp. Công ty cũng cho biết, các thông tin bị đánh cắp bao gồm tên, ngày sinh, số an sinh xã hội, địa chỉ nhà ở, địa chỉ email và các thông tin về nghề nghiệp.

Theo một điều tra bắt đầu năm 2011, trên thị trường đen, số an sinh xã hội được bán khoảng 3 USD, trong khi danh tính của bố mẹ trị giá 6 USD. Tên và mật khẩu của các tài khoản online được bán giá 1.000 USD. Có lẽ chính bởi vậy, dữ liệu các nhân của các khách hàng đang trở thành thị trường màu mỡ cho nhưng tên tội phạm công nghệ.

Hiện Tổng thống Mỹ Obama đã nhiều lần thúc giục Nghị viện thông qua kế hoạch Cybersecurity Act nhằm nâng cao an ninh mạng của nước Mỹ. Ông tin rằng, chương trình này sẽ giúp nước Mỹ chống lại “các nguy cơ trên mạng đe dọa tới quốc gia”. Theo ông Obama, tấn công trên mạng đang là “hiểm họa nguy hiểm nhất tới nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia mà nước Mỹ phải đối mặt”.

Tuy nhiên, trước khi chương trình trên của Chính phủ được chấp thuận, các công ty cần phải đẩy mạnh các biện pháp an ninh của mình nhằm tránh những tổn thất lớn vì bị tấn công qua mạng.

Trịnh Hằng (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục