Mỹ chưa thể bảo vệ sản xuất nội địa dù đánh thuế hàng y tế Trung Quốc

(ĐTCK) Mức thuế cao hơn lên găng tay y tế, xi-lanh và khẩu trang Trung Quốc khó có thể giúp hàng Mỹ cạnh tranh khi các nguồn cung ứng giá rẻ khác tận dụng tình thế để tràn vào.

Đầu tháng 5, Washington đã thông báo sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu với nhiều sản phẩm Trung Quốc, bao gồm hàng hóa y tế. Đây là một phần của chiến lược kích thích sản xuất nội địa, ngăn ngừa thiếu hụt nguồn cung như từng xảy ra trong đại dịch Covid-19.

Thuế nhập khẩu lên khẩu trang và xi-lanh sẽ tăng từ tháng 8 năm nay, riêng thuế cho găng tay sẽ tăng từ năm 2026.

Điều khá ngạc nhiên là các doanh nghiệp trong ngành thiết bị y tế Mỹ cho rằng biện pháp tăng thuế không thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sản xuất nội địa. Nguyên nhân là các nhà sản xuất Trung Quốc có thể dùng thị trường khác để thay đổi nguồn cung ứng vào Mỹ. Mặt khác, họ vẫn phải đối đầu với nhiều nhà xuất khẩu giá rẻ như Malaysia.

Số liệu của Liên Hợp quốc cho biết, Malaysia là nhà xuất khẩu găng tay y tế lớn nhất thế giới theo khối lượng, thu về 1,89 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, theo sau là Trung Quốc với 1,1 tỷ USD.

Cũng theo Liên Hợp quốc, năm 2023, Trung Quốc là nhà xuất khẩu khẩu trang y tế lớn nhất thế giới theo khối lượng, với giá trung bình 4,14 USD/kg, thấp hơn mức 5,5 USD/kg của đối thủ Malaysia.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu gần 640 triệu USD khẩu trang, xi-lanh và găng tay từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế nước này.

Dan Izhaky, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất thiết bị y tế Hoa Kỳ bình luận: “Dù chúng ta có áp thuế ra sao, người Trung Quốc cũng sẽ tìm cách né tránh”. Ông cho rằng, sản xuất Mỹ cần được giúp đỡ ngay bây giờ, không phải trong 2 năm nữa.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết tuần trước rằng, họ sẽ lấy ý kiến ​​của công chúng về tác động của việc tăng thuế được đề xuất và liệu mức thuế 25% đối với khẩu trang và găng tay y tế, cũng như mức thuế 50% đối với xi-lanh có nên cao hơn hay không.

Ông Eddie Phanichkul, đồng sáng lập Hãng Lutema USA chuyên về sản xuất khẩu trang cho rằng, việc áp thuế 25% lên khẩu trang chỉ là “gửi một thông điệp”.

“Họ bán với giá 1 đồng, còn chúng ta mất 5 - 10 đồng để sản xuất. Thật khó để cạnh tranh”, Phanichkul nói.

“Người Mỹ dùng hàng Mỹ!”

Trước động thái của Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc lên tiếng rằng, động thái tăng thuế của Mỹ cho thấy một số người ở Mỹ có thể "mất trí ". Thay vì cản trở sự phát triển của Trung Quốc, điều này sẽ truyền cảm hứng cho 1,4 tỷ công dân nước này làm việc chăm chỉ hơn.

Owen Luo, Giám đốc điều hành Công ty New Pentastar Medical Products của Trung Quốc cho biết, hãng đang xem xét đẩy mạnh hoạt động với gần 500 đối tác cung ứng quốc tế và hạ giá sản phẩm.

Trong khi đó, Top Glove của Malaysia - nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới - coi đây là cơ hội tốt để lấy lại thị phần bị chiếm bởi các đối thủ Trung Quốc từ năm 2022. Công ty sẵn sàng tái khởi động nhiều dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, một số nhà sản xuất của Mỹ coi sự can thiệp vào cầu của Washington là biện pháp triển vọng nhất.

Một trong những động thái đầu tiên sau khi nhậm chức của Tổng thống Joe Biden là sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang tăng cường mua hàng hóa do Mỹ sản xuất và thành lập Văn phòng Made in America để chỉ đạo quá trình đó.

Tuy nhiên, Văn phòng cũng thiết lập một hệ thống để người mua tìm kiếm sự miễn trừ đối với điều này. Các nhà sản xuất đồ bảo hộ cá nhân coi cơ chế này là lý do họ bị loại khỏi các hợp đồng béo bở với Chính phủ.

“Đã có sẵn luật yêu cầu mua hàng Mỹ rồi, họ chỉ cần thực thi”, Thomas Allen, đối tác quản lý của Altor Safety, một nhà sản xuất khẩu trang ở Valley Cottage, New York, cho biết.

Nhật Linh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục