Các nguồn tin cho biết các quan chức cấp cao của Mỹ tại Đại sứ quán đã được yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ tất cả các nhân viên và tình trạng việc làm, bao gồm cả nhân sự làm việc có thời hạn, không có thời hạn và tạm thời. Quá trình cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến cả nhân viên người Mỹ và nhân viên địa phương làm việc tại các đại sứ quán, nguồn tin cho biết.
Thông báo của Bộ Ngoại giao được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp vào chiều ngày 12/2 (theo giờ địa phương) yêu cầu nhân viên của cơ quan này tuân thủ các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền. Đồng thời, sắc lệnh cũng sẽ tạo cơ chế có thể “dễ dàng” hơn trong việc xử lý kỷ luật những trường hợp không tuân thủ.
Sắc lệnh có tiêu đề "Một tiếng nói cho quan hệ đối ngoại của Mỹ" nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng nước này phải "duy trì một một lực lượng lao động xuất sắc của những người yêu nước" để có thể thực hiện hiệu quả các sáng kiến về chính sách đối ngoại.
Điều này bao gồm khả năng cải cách Bộ Ngoại giao thông qua không chỉ việc điều chỉnh nhân sự mà còn thay đổi các cơ chế, quy định hướng dẫn, bao gồm Sổ tay Ngoại giao và Sổ tay Chính sách Đối ngoại - vốn kiểm soát hầu hết mọi hoạt động của Bộ Ngoại giao và sự hiện diện ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu.
Phạm vi ảnh hưởng của sắc lệnh hành pháp này sẽ phụ thuộc vào các bước triển khai tiếp theo, nhưng có thể dẫn đến một cuộc tái cấu trúc quy mô lớn tại Bộ Ngoại giao, tập trung quyền lực nhiều hơn vào các quan chức được chính tổng thống lựa chọn.
Những thay đổi này có thể trao quyền cho Bộ Ngoại giao thực hiện cắt giảm các quyền lợi của nhân viên ngoại giao làm việc ở nước ngoài, trong đó có chế độ bảo vệ an ninh và chế độ nghỉ phép hàng năm để về thăm gia đình. Điều này cũng có thể tác động đến mọi khía cạnh công việc hàng ngày của nhân viên liên bang, từ việc xử lý thông tin mật đến quản lý xung đột lợi ích.
Trong một kịch bản được đánh giá là cực đoan, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump có thể thu hẹp sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài, buộc Bộ Ngoại giao phải cân nhắc lại về sự tồn tại của các đại sứ quán tại một số quốc gia. Đồng thời, Mỹ có thể xem xét lại tư cách thành viên trong một số tổ chức quốc tế hoặc rút khỏi các thỏa thuận ngoại giao hiện có.
Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ đối mặt với các thách thức pháp lý liên quan đến sắc lệnh này. Tuy nhiên, luật điều chỉnh hoạt động của ngành ngoại giao Mỹ lại trao khá nhiều quyền hạn cho ngoại trưởng trong việc quản lý nhân sự.
Trong một diễn biến liên quan, trong 2 tuần qua, phần lớn nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) làm việc tại các đại sứ quán đã bị cho nghỉ hành chính. Điều này khiến nhiều Đại sứ và Trưởng phái đoàn ngoại giao nộp đơn khiếu này để trình bày những lo ngại với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ khi cho rằng không đủ nhân lực cần thiết để giám sát các chương trình của USAID còn đang hoạt động.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã sa thải nhiều nhà thầu làm việc trong các lĩnh vực quan trọng tại đại sứ quán, bao gồm an ninh ngoại giao. Hiện tại, Nhà Trắng đang cân nhắc các đợt cắt giảm tiếp theo, có thể ảnh hưởng đến cả nhân viên an ninh ngoại giao chưa có biên chế chính thức, theo nguồn tin của ABC News.