![Các container vận chuyển từ Trung Quốc được dỡ xuống tại cảng Los Angeles (Mỹ)](https://image.tinnhanhchungkhoan.vn/w660/Uploaded/2025/wpxlcdjwi/2025_02_13/tam-chan-cua-thuong-chien-toan-cau1739265740-3139.jpeg)
Thuế quan là Con dao hai lưỡi
Ngày 10/2 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Chính sách thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 4/3/2025.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Quản lý thương mại quốc tế (ITA) cho thấy, lượng thép nhập khẩu của Mỹ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, giảm 35% trong giai đoạn 2014 - 2024, mặc dù năm 2024 ghi nhận mức tăng 2,5%, lên 26,2 triệu tấn. Nhập khẩu thép của Mỹ giảm được cho là do thuế quan mà Tổng thống Trump áp dụng ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Thuế quan sẽ gây ra những tác động khác nhau đến Mỹ theo thời gian, theo ông James Campbell, nhà phân tích tại công ty tư vấn định giá hàng hóa CRU. Nhà phân tích này lưu ý, “lúc đầu, thuế quan có thể gây tổn hại đến nhu cầu”, nhưng về lâu dài, chúng có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy vào.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU. Chính quyền Tổng thống Trump khi đó cũng áp đặt giới hạn khối lượng đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc, Argentina và Australia.
Theo ông Campbell, kể từ đợt áp thuế quan đầu tiên của Tổng thống Trump vào năm 2018, Mỹ đã ghi nhận mức đầu tư tăng lên vào cả ngành thép và nhôm.
Mức thuế quan 25% mà Mỹ dự kiến áp dụng có thể kéo giảm khoảng 16% GDP của Mexico, trong đó ngành công nghiệp ô tô của Mexico phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
(Theo Bloomberg Economics)
Không riêng các mặt hàng thép và nhôm, trước đó, hôm 1/2, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, cũng như mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Riêng các nguồn năng lượng từ Canada sẽ bị áp mức thuế thấp hơn 10% để giảm thiểu mọi tác động gây gián đoạn mà chúng có thể gây ra đối với giá xăng và nhiên liệu dùng cho sưởi ấm của các hộ gia đình, theo một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ.
Ba ngày sau đó, mức thuế quan 10% mà Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng đối với Trung Quốc có hiệu lực, trong khi thuế quan 25% đối với Canada và Mexico được hoãn áp dụng 30 ngày sau khi 2 quốc gia Bắc Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Washington trong việc chống buôn lậu ma túy.
Thuế quan mà Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể làm đảo lộn thương mại của Mỹ và chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông chủ Nhà Trắng sẽ là con dao hai lưỡi đối với thương mại toàn cầu.
Gần một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ (hơn 1.300 tỷ USD) đến từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các phân tích của Bloomberg Economics, mức thuế quan mới có thể làm giảm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Trong khi đó, Tax Foundation - tổ chức nghiên cứu quốc tế về chính sách thuế - ước tính rằng, các mức thuế quan mà Mỹ vừa tuyên bố sẽ mang lại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm cho doanh thu thuế Liên bang, thế nhưng, chúng cũng có thể gây ra những tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, loại bỏ hàng trăm ngàn việc làm và đẩy giá tiêu dùng lên cao.
Bà Shannon K. O’Neil, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR - một tổ chức nghiên cứu chính sách ngoại giao của Mỹ và quan hệ quốc tế) cùng cộng sự cho rằng, một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế Mỹ (ô tô, năng lượng và thực phẩm) sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Đơn cử, thuế quan 25% mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với Canada và Mexico sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ và khiến giá mỗi chiếc ô tô bán tại Mỹ tăng thêm khoảng 3.000 USD. Chưa hết, chi phí hàng tiêu dùng tại Mỹ cũng sẽ tăng, vì Mexico là nguồn cung cấp nông sản tươi lớn nhất của Mỹ, cung cấp hơn 60% lượng rau nhập khẩu của Mỹ và gần một nửa lượng trái cây, hạt nhập khẩu.
![]() |
Độ mở thương mại càng cao, tác động càng nặng nề
Thuế quan của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến Canada và Mexico, vì thương mại chiếm khoảng 70% GDP của cả 2 nền kinh tế này.
Canada và Mexico đặc biệt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Hơn 80% hàng xuất khẩu của Mexico, bao gồm ô tô, máy móc, trái cây, rau quả và thiết bị y tế, hướng đến xuất khẩu sang Mỹ, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ. Sự phụ thuộc này có thể thấy rõ ở biên giới phía Bắc của Mexico. Tại đó, các tiểu bang công nghiệp như Chihuahua, Coahuila, Nuevo León và Baja California đóng góp gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Mexico sang Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt hơn 200 tỷ USD.
Theo Bloomberg Economics, mức thuế quan 25% mà Mỹ dự kiến áp dụng có thể kéo giảm khoảng 16% GDP của Mexico, trong đó ngành công nghiệp ô tô của Mexico phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Mexico xuất khẩu gần 80% số ô tô mà nước này sản xuất sang Mỹ, tương đương khoảng 2,5 triệu xe mỗi năm.
Thuế quan của Mỹ cũng sẽ đe dọa ngành năng lượng của Mexico, bởi Mỹ là nước tiếp nhận khoảng 60% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Mexico, phần lớn là dầu thô để chuyển cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Đồng thời, Mexico là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu dầu tinh chế của Mỹ, đáp ứng hơn 70% nhu cầu trong nước. Thuế quan của Mỹ có thể sẽ khiến nhiên liệu đắt hơn, làm tăng giá xăng tại các trạm bơm và gây sức ép lên nền kinh tế nói chung của Mexico.
Canada cũng phải đối mặt với thách thức tương tự. Mỹ tiêu thụ hơn 70% hàng xuất khẩu của Canada và những mặt hàng này chiếm 14% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ. Nếu mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump được áp dụng, ngành năng lượng Canada sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, bởi các nhà xuất khẩu nước này xuất đi 80% lượng dầu của họ sang Mỹ.
Còn với Trung Quốc, nền kinh tế này đã ít phụ thuộc hơn vào thương mại với Mỹ nói riêng và hoạt động giao thương nói chung. Trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh liên tục giảm sức nặng tỷ trọng đóng góp của thương mại cho nền kinh tế, đồng thời mở rộng sản xuất trong nước. Hiện xuất nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 37% GDP của Trung Quốc, thấp hơn đáng kể so với mức hơn 60% vào đầu những năm 2000.
Đặc biệt, thương mại Mỹ - Trung suy yếu trong những năm gần đây, nhất là trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thuế quan và kiểm soát xuất khẩu, như phụ tùng ô tô, máy chủ dữ liệu, đồ nội thất và chất bán dẫn. Thay vào đó, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động thương mại với các đối tác khác, bao gồm EU, Mexico và Việt Nam. Thị phần thương mại toàn cầu của Trung Quốc tăng khoảng 4% kể từ năm 2016 khi Tổng thống Trump nhậm chức ở nhiệm kỳ đầu tiên, trong khi thị phần của Mỹ sụt giảm.
Kết hợp lại, bà O’Neil và cộng sự cho rằng, những yếu tố trên sẽ làm giảm bớt cú sốc từ mức thuế quan 10% mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
EU dễ bị tổn thất trước thuế quan của Mỹ
Chưa rõ, liệu lời đe dọa áp thuế quan đối với EU của Tổng thống Trump có phải là chiến thuật gây sốc để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, hay là “con bài” mặc cả nhằm định hình lại thương mại.
Ứng viên cho chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Howard Lutnick (người vừa được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn ngày 5/2) ám chỉ rằng, một số mức thuế của ông Trump (như mức thuế nhắm vào Mexico và Canada) là chiến thuật ngắn hạn mà các quốc gia có thể tránh được, nếu họ tuân theo các yêu cầu của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, những mức thuế khác, bao gồm cả mức thuế có khả năng áp dụng đối với EU, có thể phục vụ cho các mục tiêu dài hạn là định hình lại hoạt động sản xuất chế tạo và thương mại toàn cầu.
EU xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn Canada, Mexico và Trung Quốc. Hơn nữa, không giống như Trung Quốc, thâm hụt thương mại của EU với Mỹ đã tăng lên kể từ năm 2016, khi ông Trump lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống Mỹ.
Dưới góc nhìn của giới phân tích quốc tế, EU là nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các đòn thuế quan mới của Mỹ. Tháng trước, ông Trump chỉ trích rằng: “Chúng tôi thâm hụt 350 tỷ USD với EU. Họ đối xử với chúng ta rất tệ, vì vậy họ sẽ phải chịu thuế quan”.
Sắc lệnh ngày 20/1/2025 của Tổng thống Trump nêu rõ, đội ngũ của ông sẽ tiến hành các phân tích kỹ lưỡng hơn về thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ, các hoạt động thương mại không công bằng và hiện tượng thao túng tiền tệ giữa các quốc gia đối tác. Sắc lệnh cũng yêu cầu, trước ngày 1/4/2025, các khuyến nghị về biện pháp khắc phục, bao gồm cả “thuế quan bổ sung toàn cầu” sẽ được đưa ra.
Về lý thuyết, việc phân tích, đánh giá lại thâm hụt thương mại và quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các đối tác sẽ giúp châu Âu và các quốc gia khác có thêm thời gian để vận động hành lang chính quyền Tổng thống Trump, theo tờ báo kinh tế City AM có trụ sở ở London (Anh).
Bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm áp thuế quan cao hơn đối với EU, như ông Trump từng đe dọa nhiều lần trước đây, đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu. Hơn nữa, việc Mỹ áp thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc có thể chuyển hướng các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc sang châu Âu, làm suy yếu các nhà sản xuất của khối này.