Mỹ cân nhắc siết chặt xuất khẩu chip AI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chính quyền của Tổng thống Biden đang thảo luận về việc áp dụng hạn mức xuất khẩu chip AI tiên tiến của Nvidia và các công ty Mỹ khác đối với một số quốc gia.
Giới chức Mỹ lo ngại nhiều vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc phát triển các sản phẩm bán dẫn tiên tiến Giới chức Mỹ lo ngại nhiều vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc phát triển các sản phẩm bán dẫn tiên tiến

Theo nguồn tin của Bloomberg, giới chức Mỹ có thể sẽ đặt ra mức trần xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tới một số nước ở Vịnh Ba Tư, nơi có nhu cầu ngày càng tăng về trung tâm dữ liệu AI và hơn thế nữa, có nguồn tài chính dồi dào để đầu tư.

Những cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu nên dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, chỉnh sửa, nhưng so với những quy định mới được Bộ Thương mại Mỹ thông báo từ tháng trước về việc đơn giản hóa quy trình cấp phép vận chuyển chip AI đến các trung tâm dữ liệu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả rập Xê út thì đây được xem là sự siết chặt xuất khẩu chip AI của Mỹ.

Liên quan đến vấn đề trên, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, trong một tuyên bố chung gần đây giữa Mỹ và UAE về AI, cả hai quốc gia đều công nhận tiềm năng to lớn của AI mang lại lợi ích, cũng như những thách thức và rủi ro của công nghệ mới nổi này và tầm quan trọng thiết yếu của các biện pháp bảo vệ.

Giới chuyên gia nhận định, việc đặt ra giới hạn dựa trên quốc gia sẽ phần nào hạn chế được tham vọng về AI của Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã có các quy định hạn chế việc vận chuyển chip AI của các công ty như Nvidia và AMD đến hơn 40 quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Ngoài ra, một số quan chức Mỹ bày tỏ quan điểm coi giấy phép xuất khẩu bán dẫn, đặc biệt là chip Nvidia, như một công cụ để đạt được các mục tiêu ngoại giao sâu xa hơn. Thông qua quyền cung cấp giấy phép, giới chức Mỹ có thể thiết lập những yêu cầu tới các công ty công nghệ lớn về việc giảm bớt mối quan hệ với một số quốc gia đối thủ để hạn chế các doanh nghiệp nước này tiếp cận các công nghệ cao của Mỹ.

Hồi tháng 6/2024, ông Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao về công nghệ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu tại một diễn đàn: “Chúng ta sẽ phải có cuộc đối thoại với các quốc gia trên thế giới về cách về cách sử dụng công nghệ mới. Giả dụ nói đến một quốc gia sở hữu hệ thống giám sát nội bộ mạnh mẽ, chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi liệu họ sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến như thế nào để tăng cường giám sát và điều đó sẽ trông như thế nào?”.

Trên thế giới, nhiều chính phủ đang theo đuổi cái gọi là AI chủ quyền, nghĩa là có khả năng xây dựng và vận hành hệ thống AI riêng. Ông Jensen Huang, CEO của Nvidia cho biết, điều này đã trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu về các bộ xử lý tiên tiến. Nhờ cơn sốt về AI, Nvidia đã được hưởng lợi rất nhiều và trở thành nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới.

Trung Quốc không nằm ngoài cuộc đua và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm bán dẫn tiên tiến, tuy còn thua kém so với các chip tốt nhất của Mỹ nhưng cũng khiến Mỹ lo ngại rằng, nếu Huawei Technologies Co. hoặc một nhà sản xuất nước ngoài khác cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho chip Nvidia thì có thể sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trong việc định hình bức tranh AI trên toàn cầu.

Ở một góc nhìn khác, có quan chức Mỹ không ủng hộ việc đặt ra mức trần đối với giấy phép xuất khẩu chip AI đối với một số quốc gia. Thay vào đó, Washington nên áp dụng cách tiếp cận hạn chế hơn đối với việc xuất khẩu chip AI toàn cầu, dựa trên vị thế ngoại giao hiện tại. Có ý kiến cảnh báo, không nên gây khó khăn quá mức cho các quốc gia trong việc mua công nghệ Mỹ, phòng trường hợp Trung Quốc trở nên tiến bộ hơn và sẽ giành lấy những khách hàng đó.

Anh Quý
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục