Mỹ "bơm" hàng trăm triệu USD cho các tổ chức quốc tế chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Khoản tiền 580 triệu USD bổ sung của Mỹ là một khoản đóng góp quan trọng để đưa vaccine đến với các chiến dịch tiêm chủng, tăng cường năng lực y tế cộng đồng và hỗ trợ các cộng đồng đang cần giúp đỡ.
Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN) Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ sẽ dành thêm 580 triệu USD hỗ trợ bổ sung cho các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các ca mắc mới do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gia tăng.

Cụ thể, trong thông báo mới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định tình trạng biến thể Omicron lây lan nhanh càng cho thấy thế giới phải tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm chấm dứt dịch bệnh và cần ghi nhớ rằng không ai an toàn cho đến khi tất cả an toàn.

Theo ông Blinken, thế giới đang ở thời điểm tối quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu nhằm đẩy lùi COVID-19.

Ông Blinken dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trong ngày 21/12 với những người đồng cấp từ các quốc gia khác để tìm cách phối hợp các biện pháp ứng phó quốc tế với biến thể mới trong bối cảnh Omicron đã trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại Mỹ.

Ông Blinken kêu gọi những người đồng cấp thúc đẩy hoàn thành và tăng cường cam kết tham gia cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu đồng thời nhấn mạnh thế giới cần phối hợp và hành động nhanh chóng.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, với khoản bổ sung dành cho 7 cơ quan đa quốc gia kể trên, tổng số tiền hỗ trợ Mỹ dành cho các tổ chức quốc tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh là 19,6 tỷ USD.

Ông Blinken nhấn mạnh bên cạnh việc tặng 330 triệu liều vaccine cho các nước khác trên thế giới, khoản tiền 580 triệu USD bổ sung được coi là một khoản đóng góp quan trọng để đưa vaccine đến với các chiến dịch tiêm chủng, tăng cường năng lực y tế cộng đồng và hỗ trợ các cộng đồng đang cần giúp đỡ...

Theo đó, 280 triệu USD sẽ được gửi đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bên cạnh đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) sẽ nhận được 170 triệu USD để đẩy nhanh những nỗ lực tiêm phòng cho các nhóm người dễ chịu tổn thương.

Ông Blinken khẳng định Mỹ, với vai trò đi đầu, đang tìm cách tạo xung lực cho một phương thức hành động tập thể trước đại dịch COVID-19 và các chính phủ khác cũng cần hoàn thành các cam kết và ủng hộ những tổ chức và nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Theo kế hoạch, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu về biện pháp ứng phó của chính phủ nước này trước những diễn biến mới do biến thể Omicron gây ra.

Dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Omicron không nghiêm trọng hơn biến thể Delta, nhưng các số liệu sơ bộ cho thấy Omicron sẽ lây lan nhanh hơn và có thể chống lại các loại vaccine.

Kể từ khi được xác nhận đầu tiên tại Nam Phi tháng 11, đến nay Omicron đã xuất hiện ở khoảng 90 quốc gia trên thế giới, dập tắt những hy vọng rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện sắp quá tải, các trung tâm xét nghiệm chứng kiến những dòng người xếp hàng chờ đến lượt và hàng loạt sự kiện thể thao và giải trí đã phải hoãn, hủy.

Ngày 20/12, Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron và biến thể siêu lây nhiễm này đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch COVID-19 tại Mỹ, gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua./.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục