Theo ông, vì sao Quỹ BLTD hoạt động chưa hiệu quả?
Ngay từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 193/2001/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho doanh nghiệpnhỏ và vừa (hiện tại thực hiện theo Quyết định 58/2013/QĐ-TTg). Qua 16 năm, hiện nay mới có 27 quỹ được thành lập với số vốn điều lệ vào khoảng 1.462 tỷ đồng, doanh số cho bảo lãnh trên 4.161 tỷ đồng. Con số này đã chứng tỏ hoạt động của Quỹ BLTD chưa hiệu quả; chưa đáp ứng được sự mong mỏi của doanh nghiệp cũng như kỳ vọng của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng không giúp ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vốn cho nền kinh tế.
TS. Đặng Đức Anh
Theo tôi có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, các quy định về bảo lãnh quá chặt chẽ. Cụ thể, để nhận được sự bảo lãnh, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Nếu có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp đến thẳng ngân hàng vay vốn chứ cần gì phải bảo lãnh để phải trả phí bảo lãnh, phí thẩm định hồ sơ, trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng bình thường.
Thứ hai, vốn hoạt động của Quỹ BLTD quá “hẻo”, ngoài vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng do ngân sách địa phương cấp, hầu như quỹ không thể huy động được nguồn vốn khác để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Thứ ba là công tác tuyên truyền rất yếu, chỉ có rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa biết được sự tồn tại của Quỹ BLTD làm cầu nối cho họ tiếp cận vốn ngân hàng.
Thứ tư, điều kiện, thủ tục để được cấp bảo lãnh không phù hợp với thực tế.
Theo ông, để Quỹ BLTD thực sự là chỗ dựa của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thiếu vốn không biết trông chờ vào đâu, cần phải thay đổi cơ chế gì?
Phải khẳng định, Quỹ BLTD doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì nếu quỹ hoạt động vì lợi nhuận thì chẳng cần thiết phải thành lập. Tất cả các hạn chế, tồn tại nêu trên cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế, trong đó, việc BLTD dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Tức là, để được bảo lãnh, doanh nghiệp chỉ cần có một trong các điều kiện, chứ không phải có đủ các điều kiện như hiện nay.
Và điều quan trọng nữa, là phải lựa chọn đối tượng bảo lãnh chứ không phải bất cứ doanh nghiệp nào có đủ một trong các điều kiện đều được bảo lãnh, vì với khoảng 600.000 doanh nghiệp hoạt động, không bao giờ quỹ có đủ năng lực tài chính để thực hiện bảo lãnh được.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định, Quỹ BLTD không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh. Vậy lựa chọn đối tượng bảo lãnh làm sao được?
Liên quan đến Quỹ BLTD, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giao Chính phủ quy định cụ thể. Theo tôi, cần quy định theo hướng bổ sung điều kiện bảo lãnh, ví dụ, chỉ bảo lãnh cho một số lĩnh vực, ngành hàng cần khuyến khích phát triển chứ không thể bảo lãnh cho cả doanh nghiệp kinh doanh thương mại, buôn bán, cung cấp dịch vụ thông thường.
Ngoài ra, chỉ bảo lãnh không cần tài sản thế chấp cho doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động nhất định, đã chứng tỏ khả năng tồn tại qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường, đã thế chấp tài sản ngân hàng để vay vốn, giờ mở rộng hoạt động hoặc cần vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền, xây dựng nhà xưởng, mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tạm thời thiếu vốn, chứ không thể bảo lãnh cho cả doanh nghiệp vừa mới gia nhập thị trường.
Tóm lại, với những đối tượng này, khi thực hiện bảo lãnh không cần tài sản bảo đảm, còn các đối tượng khác, kể cả doanh nghiệp mới thành lập, mới khởi nghiệp, muốn được bảo lãnh dứt khoát phải có tài sản bảo đảm tiền vay, có dự án, phương án kinh doanh khả thi, có vốn góp nhất định vào dự án.
Bảo lãnh không cần tài sản thế chấp liệu có rủi ro quá không, vì chỉ cần vài ba doanh nghiệp không may bị rủi ro là Quỹ BLTD sẽ “cụt vốn”?
Quỹ chỉ bảo lãnh không có tài sản bảo đảm tiền vay 70% hoặc 80% số vốn mà doanh nghiệp cần vay, số còn lại ngân hàng sẽ cho vay.
Với cơ chế này, nhà băng nào cũng muốn cho vay, vì 70 - 80% rủi ro đã có quỹ gánh đỡ. Ngân hàng tham gia 20% đến 30% số vốn cho vay không có tài sản bảo đảm nên khi cho vay, ngân hàng nào cũng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, hoàn trả nợ vay rất sát sao… nên mức độ rủi ro rất thấp.