Ông Đông cho biết, ngay sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua, với mục tiêu nhanh chóng đưa tinh thần của Luật vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng và tích cực chuẩn bị triển khai Luật.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 3 trong tổng số 4 Nghị định, bao gồm Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Phát triển DNNVV. Riêng Nghị định về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại tổ chức tín dụng giao Bộ Tài chính chủ trì. Cả 4 nghị định đều được trình kèm Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
“Chúng tôi nỗ lực tối đa nhằm đạt mục tiêu khi Luật Hỗ trợ DNNVV chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018 thì cả 4 nghị định cũng kịp thời hoàn thành và đưa vào hướng dẫn triển khai Luật ngay, chứ không để xảy ra tình trạng luật chờ nghị định”, ông Đông nói.
Trong khi đó, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DNNVV thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh vào 3 nhóm DNNVV trọng tâm, đó là DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất Chính phủ chấn chỉnh, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thiết yếu đối với doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP, Chỉ thị 26/CT-TTg, Nghị quyết 19/ NQ-CP. Đồng thời, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thông tin, pháp lý, khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp…
“Đặc biệt, sẽ có những giải pháp khuyến khích và tạo hành lang pháp lý để khu vực ngoài nhà nước tham gia hỗ trợ DNNVV như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội DNNVV…”, vị đại diện trên cho hay.
Đánh giá về tác động kỳ vọng của Luật Hỗ trợ DNNVV đối với cộng đồng DNNVV khi Luật chính thức có hiệu lực, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, nếu Luật được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai tốt sẽ tác động tích cực đến cộng đồng DNNVV, chẳng hạn trong lĩnh vực thuế, kế toán - vốn là những rào cản lớn đối với DNNVV hiện nay.
“Luật quy định, DNVV được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng chung cho các doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn, nâng cao khả năng sinh lời, tích lũy… Luật cũng quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản như giãn tần xuất kê khai, biểu mẫu kê khai, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…”, ông Hùng cho biết.
Hay với tác động hỗ trợ mặt bằng sản xuất, nếu được triển khai thực thi đúng tinh thần của Luật, theo ông Hùng, sẽ khắc phục được những khó khăn trong tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh - một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV.
“Thực tế là cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả trong tiếp cận mặt bằng sản xuất cho DNNVV, trong khi tỷ lệ quỹ đất chưa lấp đầy trong các cụm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao vẫn còn nhiều. Luật quy định, tùy điều kiện ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các cụm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn. Hỗ trợ này là có thời hạn, tối đa là 5 năm. Điều này rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, một sự hỗ trợ khác cũng được đánh giá sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là về tín dụng. Theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, tín dụng sẽ mở ra một số kênh mới, trong đó DNNVV không chỉ được tiếp cận nguồn tín dụng của Nhà nước, mà còn từ nguồn vốn tư nhân. Đặc biệt, việc luật hóa quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ góp phần tạo kênh huy dộng vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.