Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, thấp nhất kể từ năm 2011 (ngoại trừ năm 2020 tăng 1,74%) là do sức cầu yếu. Ông có đồng tình với nhận định này?
Điều này quá rõ, cụ thể hơn là cả cầu xuất khẩu, cầu đầu tư và cầu tiêu dùng nội địa đều rất yếu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm, nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn, nên 6 tháng xuất siêu tới 12,25 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất của nước ta phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, công nghệ, máy móc, dây chuyền, nên xuất siêu lớn chưa hẳn đáng mừng, mà là dấu hiệu cho thấy cầu đầu tư rất yếu.
Cầu đầu tư yếu còn thể hiện ở chỗ, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13%, thay vì 8,51% như trong 6 tháng đầu năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ) tăng chưa đến 11%, trong khi cùng thời gian năm trước tăng 12,2%. Cầu nội địa năm nay còn được hỗ trợ bởi gần 5,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Nếu không tính phần này, thì cầu tiêu dùng nội địa của người Việt còn thấp nữa.
Trong cầu đầu tư thì đầu tư từ khu vực nhà nước, cụ thể là đầu tư công rất khởi sắc, thưa ông?
Có thể coi đây là điểm sáng nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Kết quả là, vốn đầu tư của khu vực nhà nước tăng 12,6%. Nhưng vốn đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,8%. Tính chung, sau khi trừ đi lạm phát 3,29%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành chỉ tăng 4,7%, chưa bằng phân nửa so với mức tăng 9,2% cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đã thực hiện rất nhiều chính sách, cả tài khóa lẫn tiền tệ, nhằm kích cầu. Vậy theo ông, vì sao cầu vẫn không lên được?
Chính sách kích cầu bao giờ cũng có độ trễ, nhất là với Việt Nam, “từ chính sách đến cuộc sống” mất rất nhiều thời gian, nhưng chính sách lại ban hành khá muộn. Ngay từ cuối năm ngoái, tôi đã từng khuyến nghị nên tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ đã thực hiện năm 2022, đồng thời mạnh dạn giảm lãi suất điều hành, nhưng hầu như các chính sách tài khóa đều ban hành muộn, ngay cả việc giảm thuế giá trị gia tăng và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước cũng phải đến ngày 1/7/2023 mới có hiệu lực, còn việc giảm lãi suất điều hành phải đến quý II mới thực hiện và thực hiện dồn dập bằng việc hạ lãi suất điều hành liên tiếp tới 4 lần.
Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc hạ lãi suất, nhờ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí vay vốn, chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, lãi suất thấp chỉ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là vốn phải đến được với doanh nghiệp. Lãi suất thấp, mà điều kiện tiếp cận vốn khó khăn, thì không khác gì “mỡ treo, mèo nhịn”.
NHNN vừa quyết định nới room tín dụng, thưa ông?
Nghị quyết 97/NQ-CP (ngày 8/7/2023) về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 đã khẳng định, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay tăng rất thấp (đạt 4,73%, cùng kỳ đạt 9,35%), trong khi nhu cầu về vốn tín dụng rất lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới.
Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Quyết định nới lỏng room tín dụng của NHNN là rất kịp thời nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Lãi suất giảm, room tín dụng tăng, chắc chắn, doanh nghiệp rất vui mừng, nhưng theo tôi, cần phải hết sức thận trọng, tránh đi từ trạng thái nọ sang trạng thái kia quá nhanh.
Ông lo ngại điều gì khi nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời mở rộng chính sách tài khóa?
Nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam, dễ dàng nhận thấy, cứ sau 5-7 năm, bong bóng tài sản lại xuất hiện. Nguyên nhân khiến đất đai, bất động sản, chứng khoán tăng mạnh (bong bóng tài sản) đều bắt nguồn từ nới lỏng tín dụng quá mức, bơm vốn ra nền kinh tế, nhưng không kiểm soát chặt chẽ, khiến một lượng vốn lớn “chui” vào thị trường chứng khoán, bất động sản, thay vì vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành sản xuất cần ưu tiên, hỗ trợ như nông nghiệp, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động.
Tương tự, cứ mỗi khi nới lỏng chính sách tài khóa vượt quá khả năng hấp thụ sẽ dẫn đến đầu tư công dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư công hiệu quả thấp và phải mất nhiều năm mới có thể xử lý được.
Tôi cho rằng, quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng chính sách tài khóa của Chính phủ thời điểm này là hợp lý, nhưng phải hết sức thận trọng, vì bài học nhãn tiền vẫn còn đó.
Vì vậy, Nghị quyết 97/NQ-CP yêu cầu NHNN phải quyết liệt giảm mặt lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất 1,5 - 2%, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Thế còn 2 chính sách tài khóa mở rộng vừa có hiệu lực là giảm 2% thuế giá trị gia tăng và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì sao, thưa ông?
Như tôi đã nói, 2 chính sách này thực hiện hơi muộn, chỉ có hiệu lực trong 6 tháng. Nhưng nếu sang năm có chính sách tương tự, thì phải nghiên cứu kỹ tác động của chính sách đến đâu. Cụ thể, việc giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng có được hưởng lợi không. Cũng phải tính xem chính sách này có hỗ trợ sản xuất trong nước hay không.
Còn đối với việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô cũng phải xem trong giá thành từng loại ô tô, tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu. Trong thời gian giảm thuế, doanh số ô tô sản xuất trong nước tăng, nhưng phụ tùng, chi tiết, máy móc đều nhập khẩu, thì cũng không khác gì “giảm lệ phí cho ô tô nhập khẩu” và hết thời gian giảm lệ phí, thị trường ô tô sản xuất trong nước lại trầm lắng vì người tiêu dùng có nhu cầu đã mua trong thời gian giảm lệ phí rồi.